Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội

Tối 9-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự.

Tối 9-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cách đây tròn 2 năm, ngày 9-11 được công bố là Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội. Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong 2 năm qua, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, việc tổ chức Ngày Pháp luật đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành, trong đó hợp tác chặt chẽ với Tòa án Nhân dân tối cao trong việc đào tạo thẩm phán, tuyển chọn thẩm phán; với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có đủ năng lực hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cuộc thi đã trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. Sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi theo thể lệ (ngày 30-4-2015), cả nước đã có 4.855.057 bài dự thi được gửi về các ban tổ chức. Qua đánh giá, nhiều bài dự thi có chất lượng rất tốt, nguồn tư liệu phong phú, dồi dào, đáng tin cậy cả về nội dung thông tin, hình ảnh, tri thức hiểu biết về Hiến pháp và lịch sử lập hiến của nhân loại cũng như của Việt Nam.

Căn cứ vào thể lệ cuộc thi và kết quả chấm thi, Ban tổ chức cuộc thi cấp trung ương đã quyết định công nhận kết quả chấm bài dự thi vòng chung khảo; quyết định tặng giấy chứng nhận và trao giải thưởng cho 18 tập thể và 175 cá nhân có thành tích. Trong số 18 giải tập thể có 5 giải A, 5 giải B và 8 giải C. Trong số 175 giải cá nhân có 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba, 130 giải khuyến khích và 10 giải phụ.

PHÚC NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục