Kinh doanh sản phẩm “sạch” tràn lan
Thống kê của các đơn vị khảo sát nghiên cứu trong ngành bán lẻ, tại Việt Nam kênh phân phối hiện đại mới chỉ chiếm 20% thị phần. Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... chủ yếu tập trung ở những tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ... Đơn cử, kênh phân phối hiện đại tại TPHCM cũng chỉ phát triển được khoảng 210 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm an toàn của người dân.
Ngoài ra, trước bối cảnh thực phẩm kém chất lượng bủa vây người tiêu dùng, dẫn đến tâm lý hoang mang, có hàng ngàn địa điểm kinh doanh, phân phối thực phẩm “sạch” mọc lên nhưng khó có cơ sở để kiểm chứng các sản phẩm này có đạt chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Những năm trở lại đây, thực trạng loạn cửa hàng, địa điểm phân phối và kinh doanh thực phẩm “sạch”, sản phẩm an toàn, không chỉ tập trung ở các mặt hàng thiết yếu như thủy hải sản, rau củ quả, gạo, cà phê... mà ngày càng phát triển lan rộng ra nhiều ngành hàng khác.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng với xu hướng hội nhập và phát triển, nhận thức của người dân trong mua sắm, tiêu dùng thực phẩm an toàn đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tâm lý muốn sử dụng hàng hóa chất lượng an toàn, nhưng lại đòi hỏi giá thành phải rẻ và cạnh tranh đã tạo điều kiện cho các mặt hàng kém chất lượng len lỏi và có đất sống trên thị trường. Điều này, không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế mà còn tạo ra áp lực và thách thức không nhỏ cho những đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa chất lượng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường nội địa, cũng như đến tay người tiêu dùng.
Mặt khác, các quy định hiện hành đối với việc quản lý và xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, đã tạo điều kiện cho những đơn vị sản xuất kinh doanh không chân chính lợi dụng và trục lợi. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết quy định của pháp luật đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm được phân bổ theo ngành dọc. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đối với mặt hàng nông sản trồng trọt trên đồng ruộng; Bộ Công thương quản lý sản phẩm phân phối ra thị trường; Bộ Y tế quản lý sản phẩm khi lên bàn ăn. Quy trình quản lý này vốn tồn tại một số bất cập, thêm vào đó giữa các bộ, ngành chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ nên các đối tượng sản xuất kinh doanh gian lận thương mại, làm ăn bất chính dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Tiếp sức hàng Việt chất lượng cao
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, cuộc cạnh tranh của hàng Việt đang ngày càng trở nên gay gắt không chỉ tại các thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà. Đặc biệt, bước sang năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam có thuế suất bằng 0% và hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; do đó, muốn giữ vững thị phần và năng lực cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải chú trọng và đầu tư nghiêm túc cho quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ: “Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc doanh nghiệp và nông dân chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, cần có vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và nhà khoa học. Chỉ có sự liên kết của 4 nhà gồm: cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân thì mới giúp doanh nghiệp và nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất kinh doanh và thực hiện các chứng nhận sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng hóa ra thị trường”.
Việc đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nâng cao nhận thức và đầu tư nghiêm túc cho quy trình sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại tự do, giữ vững thị phần trên sân nhà mà còn là trách nhiệm của đơn vị sản xuất kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây còn được xem là giải pháp hiệu quả cũng như chiến lược hướng đến sự phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu Việt uy tín.
Ở góc độ nhà bán lẻ dẫn đầu trong phát triển mạng lưới phân phối hiện đại trong nhiều năm qua, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), nhấn mạnh: “Để tận dụng được kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang dần phủ sóng tại các khu dân cư đông đúc, đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung nâng cao chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bởi đây là những kênh phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua uy tín thương hiệu của nhà bán lẻ, nên đưa hàng hóa lên kệ đã khó, việc duy trì ổn định hàng hóa của doanh nghiệp trên kệ siêu thị cũng không dễ”.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm sản phẩm cùng loại, kể cả hàng sản xuất nội địa và hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về giá cả, mẫu mã mà còn phải đáp ứng yêu cầu duy trì chất lượng tốt và luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng. Các hệ thống siêu thị luôn kiểm tra thường xuyên về quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm. Nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ bị loại ra khỏi kệ hàng.
4 doanh nghiệp được cấp chứng nhận chuẩn hội nhập
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Rau quả, thực phẩm An Giang; Công ty CP Lai Phú; Công ty CP Chế biến thủy sản Liên Thành; Công ty TNHH Đà Lạt Gap.
Song song đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Công ty CP Vinamit và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và cam kết liên kết xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Đây được đánh giá là chương trình hành động thiết thực, góp phần định hướng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu; đồng thời, đảm bảo triển khai quy trình sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Rau quả, thực phẩm An Giang; Công ty CP Lai Phú; Công ty CP Chế biến thủy sản Liên Thành; Công ty TNHH Đà Lạt Gap.
Song song đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Công ty CP Vinamit và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và cam kết liên kết xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Đây được đánh giá là chương trình hành động thiết thực, góp phần định hướng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu; đồng thời, đảm bảo triển khai quy trình sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.