Nâng hạng thị trường chứng khoán, giảm áp lực vốn cho nền kinh tế

Ngày 26-7, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức đối thoại tháng 7 với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng, điều này tiềm ẩn những rủi ro, thiếu tính bền vững cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng và nền kinh tế nói chung vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn. Trong bối cảnh đó, sự phục hồi và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về nguồn cung vốn cho các ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, TTCK phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, dự kiến trong tháng 8-2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng TTCK Việt Nam nhằm nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi. Khi TTCK được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn trong nước và nền kinh tế nói chung.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ước tính khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự kiến khoảng 7,2 tỷ USD/năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường.

Bên cạnh đó, một lợi ích nữa của việc nâng hạng thị trường đó là khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Nâng cấp thị trường mới nổi cũng giúp nhà đầu tư đa dạng hơn.

Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để được nâng hạng TTCK thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước hết là phải cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư khi mà TTCK hiện nay đang có đến gần 90% là nhà đầu tư cá nhân. Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần tăng cường giảm sát, hậu kiểm để sản phẩm đưa vào thị trường đảm bảo chất lượng cũng như công khai minh bạch.

Tin cùng chuyên mục