Nắng nóng - hiện tượng “bình thường mới”

Các phát hiện của Đài quan sát Hạn hán châu Âu dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán; 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.     
Nỗ lực cứu rừng từ trên không. Ảnh: Reuters
Nỗ lực cứu rừng từ trên không. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) thuộc EU, trong năm nay, nhiều quốc gia châu Âu đã phải hứng chịu các đám cháy rừng dữ dội khiến hàng ngàn người phải sơ tán và phá hủy nhiều nhà cửa, cũng như cơ sở kinh doanh. JRC cho biết, kể từ đầu năm đến nay, cháy rừng đã thiêu trụi 600.731ha đất ở các nước EU, gấp hơn 2 lần diện tích đất nước Luxembourg. JRC chỉ thống kê những vụ cháy rừng lớn hơn 30ha, do đó nếu cộng cả diện tích của những đám cháy nhỏ hơn thì tổng diện tích đất bị thiêu trụi trong năm nay tại châu Âu còn cao hơn nữa. 

Hệ thống thông tin về cháy rừng của EU (EFFIS) ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị cháy tại EU là 587.868ha, bỏ xa mức trung bình 158.000ha trong giai đoạn tham chiếu 2006-2021, trong khi mùa cháy rừng ở Địa Trung Hải vẫn chưa kết thúc (thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm).

Giới chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng. Thời tiết nóng hơn làm giảm độ ẩm của thảm thực vật, biến chúng thành nhiên liệu khô cho các đám cháy bùng phát. Giáo sư Victor Resco de Dios tại Đại học Lleida (Tây Ban Nha) cho rằng, các đám cháy lớn xảy ra ở Pháp và Bồ Đào Nha hồi đầu tháng 7 là “rất bất thường” và cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. 

Còn Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hiệp quốc cho biết, thế giới vừa trải qua một trong số những tháng 7 nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu ghi nhận tăng gần 0,5oC so với mức trung bình. Theo WMO, nền nhiệt toàn cầu trong tháng 7 vừa qua đã tăng 0,4oC so với mức trung bình ghi nhận từ năm 1991 đến năm 2020. Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất theo ngày trên toàn quốc là 40,3oC - lần đầu tiên nước này vượt mức nhiệt 40oC. 

Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại. Tuần trước, Viện Khoa học khí quyển và khí hậu thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy cho biết, năm 2022 có thể là năm nóng nhất và khô hạn nhất kể từ năm 1800. Nhiệt độ ở nước này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7-2022 cao hơn 0,98oC so với mức trung bình trong cùng khoảng thời gian trên kể từ năm 1800. Riêng nhiệt độ trung bình trong tháng 7 cao hơn mức bình thường là 2,26oC.

Đáng chú ý, nắng nóng và hạn hán, với lượng mưa thấp kỷ lục ở một số nước tại châu lục có thể khiến sản lượng ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở châu Âu giảm 8%-9%, chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ EUR. Giao thông đường sông cũng bị ảnh hưởng do mực nước tiếp tục giảm trên toàn khối. Điểm đo tại Kaub trên sông Rhine, hiện là tuyến đường vận tải thủy quan trọng nhất ở châu Âu, đã giảm xuống 49cm vào ngày 7-8. Nếu mực nước giảm thêm 9cm là toàn tuyến đường thủy này sẽ không hoạt động được.

Theo các nhà khoa học, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn là dấu hiệu rõ ràng về tình trạng ấm lên trên toàn cầu và sẽ trở thành hiện tượng “bình thường mới” trong những thập niên tới.

Tin cùng chuyên mục