Nâng tỷ lệ đội nón bảo hiểm cho trẻ

Chỉ có khoảng 16% trẻ em ở Hà Nội, 44% trẻ em ở TPHCM đội nón bảo hiểm (NBH) khi lưu thông trên đường bằng xe máy. Những con số này cho thấy tình trạng đáng báo động về nguy cơ mất an toàn giao thông đối với trẻ em. Làm thế nào nâng cao tỷ lệ đội NBH cho trẻ em đang là một vấn đề đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và nhất là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.
Nâng tỷ lệ đội nón bảo hiểm cho trẻ

Chỉ có khoảng 16% trẻ em ở Hà Nội, 44% trẻ em ở TPHCM đội nón bảo hiểm (NBH) khi lưu thông trên đường bằng xe máy. Những con số này cho thấy tình trạng đáng báo động về nguy cơ mất an toàn giao thông đối với trẻ em. Làm thế nào nâng cao tỷ lệ đội NBH cho trẻ em đang là một vấn đề đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và nhất là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Cha mẹ thường lơ là việc đội nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Cha mẹ thường lơ là việc đội nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, chia sẻ: “Năm 2010, khi mới tới Việt Nam, tôi thật sự ấn tượng khi chứng kiến hầu hết người lớn đội NBH khi đi xe máy. Thế nhưng, thật đáng tiếc là số lượng trẻ em đội NBH khi đi cùng cha mẹ trên xe gắn máy lại đang ít dần đi. Tôi rất lo lắng vì xe gắn máy là phương tiện giao thông chính ở VN và TNGT đường bộ vẫn đang là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích”.

Nhận xét về thực trạng tỷ lệ đội NBH cho trẻ em quá thấp tại các thành phố lớn, ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Đây là hành vi vi phạm vẫn chưa được phát hiện, xử lý nghiêm và chưa thực sự bị dư luận lên án”.

Thực tế cho thấy, phần lớn phụ huynh được hỏi đều nhận thức được lợi ích về đội NBH cho con nhưng họ lại rất chủ quan khi chở con trên các đoạn đường gần, tốc độ chậm, ví dụ như đi chợ, đi học, đi chơi... Một số người còn biện minh rằng họ tự tin vào tay lái của mình và có khả năng bảo vệ cho con khi có va chạm. Đó là chưa kể tâm lý ngại đội NBH cho trẻ vì vướng víu, mất thời gian, nếu đội thì chỉ do đối phó với CSGT ở hầu hết các bậc phụ huynh.

Được cho là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao tỷ lệ đội NBH cho trẻ em khi lưu thông trên xe máy, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như giảng dạy về ATGT từ bậc mầm non đến đại học, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở con em khi tham gia giao thông trong đó có hành vi không đội NBH... thế nhưng, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Hầu hết các trường chưa thật sự quan tâm đến hoạt động này và chỉ làm mang tính hình thức.

Làm thế nào để tăng tỷ lệ trẻ em đội NBH khi tham gia lưu thông trên xe gắn máy? Theo bà Lotta Sylwander: “Nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và cưỡng chế thực thi pháp luật là hai lĩnh vực quan trọng để tăng cường tỷ lệ trẻ em đội NBH. Bên cạnh việc trường học phải đóng vai trò chính để chuyển tải các thông điệp về ATGT thì nỗ lực chung của các bộ ngành và tổ chức quần chúng cũng rất quan trọng để nâng cao nhận thức cho phụ huynh và người chăm sóc trẻ”.

Hiện Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đang phát động một chiến dịch trẻ em cũng cần đội NBH với mục tiêu tất cả trẻ em sẽ đội NBH trong 3 năm tới. Bộ GD-ĐT cam kết tăng thời lượng giảng dạy về ATGT, đồng thời yêu cầu các phụ huynh học sinh phải ký cam kết với nhà trường về việc đội NBH cho trẻ em khi đi xe gắn máy.

Không chỉ vậy, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát sẽ yêu cầu các đơn vị tăng cường xử phạt bố mẹ chở con bằng mô tô, xe máy mà không đội NBH. Hy vọng với nỗ lực chung của toàn xã hội, tỷ lệ đội NBH cho trẻ em sẽ được tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ thương vong vì TNGT ở trẻ sẽ giảm đáng kể.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục