Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong quý 2-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng. Theo đó, chỉ giao dịch vàng miếng tại các điểm được cấp phép. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư ở TPHCM bắt đầu dè dặt với vàng miếng và chuyển vốn sang vàng nữ trang, khiến thị trường này rục rịch sôi động.
Đầu tư vàng nữ trang
Với người Việt Nam, vàng từ lâu đã trở thành một thứ tài sản tích trữ quen thuộc. Với nhiều người, ngoài mục đích là đầu tư, tiết kiệm, tích trữ, vàng còn được xem như của hồi môn của cha mẹ để dành cho con nên không thể một sớm một chiều mà thói quen này có thể thay đổi được.
Chị Lê Thị Ngọc Mai, nhân viên một công ty quảng cáo ở quận 1, cho biết: “Tháng nào tôi cũng sắm 2 - 5 chỉ vàng để dành. Từ khi có thông tin nhà nước sắp cấm giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do, tôi chuyển sang trữ vàng nhẫn”.
Tại TPHCM, những ngày gần đây không khí mua bán vàng nữ trang trở nên sôi động. Tại cửa hàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), trong những ngày qua, trong khi không khí giao dịch vàng miếng diễn ra khá buồn tẻ, số khách hàng đến mua vàng nữ trang lại tăng lên. So với thời điểm Tết Tân Mão, doanh số vàng nữ trang của SBJ tăng khoảng 10%.
Tương tự, tại Trung tâm Phân phối nữ trang sỉ SJC, ông Trương Công Ấn, Phó Trưởng phòng kinh
doanh nữ trang của SJC, cho biết so với cùng kỳ doanh số nữ trang sỉ bán đi tỉnh năm nay tăng khoảng 15%-20%, trong đó được tiêu thụ mạnh là các sản phẩm vàng 10K và 18K.
Do đó, để đón đầu thị trường, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất và hệ thống phân phối. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, Tổng giám đốc SJC, cho biết: “Nghị quyết 11/NQ-CP ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vàng, trong đó có SJC. Hiện tại, SJC là doanh nghiệp cung cấp nguồn vàng miếng lớn nhất ra thị trường qua việc bán sỉ và bán lẻ, cũng như gia công vàng cho rất nhiều đơn vị khác. Nếu thu hẹp thị trường vàng miếng, SJC sẽ chú trọng sản xuất kinh doanh nữ trang bằng cách đẩy nhanh xây dựng xưởng gia công nữ trang”. Ngày 23-3, SJC đã khởi công dự án Xí nghiệp Nữ trang SJC Tân Thuận tại KCX Tân Thuận, TPHCM. Theo dự kiến, xí nghiệp sản xuất nữ trang này sản xuất 350.000 sản phẩm/năm, hoàn toàn có thể đáp ứng kế hoạch phát triển của SJC trong việc đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nữ trang vàng, ngành hàng vốn được xác định sẽ là lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, với thị trường xuất khẩu khá ổn định đồng thời đã có thị phần lớn tại thị trường nội địa về vàng nữ trang, PNJ sẽ tiếp tục khẳng định thế mạnh trên thị trường vàng nữ trang với gần 120 cửa hàng bán lẻ khắp nước.
Không phải là kênh đầu tư sinh lợi
Theo nhiều chuyên gia, đầu tư vàng nữ trang thường không dễ “ăn”. Vì ngoài tình trạng chất lượng vàng nữ trang thiếu tuổi khá phổ biến như hiện nay, nhiều cửa hàng kim hoàn vẫn thường ép giá thu vào. Nhìn giá niêm yết ngày 24-3, đã thấy khó sinh lợi khi đầu tư vào vàng nữ trang. Với mức giá 3.703.000 đồng/chỉ (bán ra) đối với nhẫn vàng trơn 24K và vàng 9999 cho thấy giá vàng nữ trang (bán ra) đang được giới kinh doanh đẩy lên ngang bằng với giá vàng miếng.
Thực tế, vàng nữ trang chỉ là tài sản, của hồi môn mà cha mẹ thường để dành cho con hoặc là trang sức của phụ nữ chứ không phải là một kênh đầu tư sinh lợi và bảo toàn vốn vì theo thời gian nữ trang thường hao mòn nên tính thanh khoản của nó không bao giờ được như vàng miếng!
Chính vì thế, ông Nguyễn Thành Long khuyến cáo người dân không nên nôn nóng chuyển đổi từ vàng miếng sang nắm giữ vàng nhẫn vì chất lượng vàng không bảo đảm, có thể thiệt thòi khi giao dịch. Đồng thời kiến nghị Nhà nước sớm có lộ trình đưa vàng miếng giao dịch trên thị trường có sự quản lý nhà nước, bảo đảm quyền nắm giữ vàng miếng của người dân, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thời gian thực hiện có thể 1-2 năm, với mô hình hợp lý nhất là NHNN làm đầu mối xuất nhập khẩu vàng, hoặc ủy quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu. Các doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ mua vàng nguyên liệu từ NHNN rồi sản xuất, phân phối theo các hệ thống cửa hàng, đại lý của mình. Mặt khác, Nhà nước cũng nên thành lập Quỹ dự trữ vàng từ nguồn vàng nhập khẩu, mua vàng của người dân hoặc từ số vàng dự trữ của các ngân hàng thương mại. Từ đó, Nhà nước có thể can thiệp thị trường, bình ổn giá vàng trong nước khi cần thiết, hạn chế những tác động không tốt đến thị trường tiền tệ.
|
MAI THI