Sau khi Báo SGGP phản ánh tình trạng nhiều bác sĩ ở bệnh viện công lo lắng vì đến hết 31-12-2010 không còn được mở phòng mạch tư theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân quy định, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần rạch ròi: công ra công, tư ra tư nhằm hạn chế những bất cập hiện nay như bác sĩ làm bệnh viện công ít mà làm phòng mạch thì nhiều, lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch hoặc phòng mạch bán thuốc bừa bãi… Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên có lộ trình.
BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Thư ký Hội Hành nghề y dược tư nhân TPHCM: Cần gia hạn lộ trình
Được biết đến ngày 31-12-2010 sẽ cấm cán bộ-công chức trong cơ sở y tế công mở phòng mạch tư. Đây thực sự là một xáo trộn lớn trong ngành y tế nếu được thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, thay vào đó, khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực vào ngày 1-1-2011, bác sĩ trong bệnh viện công được quyền tham gia làm việc tại các phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện tư nhân ngoài giờ hành chính mà không cần có ý kiến của giám đốc bệnh viện công. Vấn đề là phòng khám đa khoa tư nhân và bệnh viện tư có ký hợp đồng với họ hay không.
Vẫn biết rằng, bác sĩ trong bệnh viện công bị ràng buộc bởi Luật Công chức nên chỉ có thể làm thêm ngoài giờ hành chính. Còn nếu muốn làm nhiều giờ hơn thì đương nhiên phải bỏ bệnh viện công để ra hẳn bệnh viện tư làm. Ở đây, ta thấy quan điểm của Bộ Y tế đã rõ ràng công ra công, tư ra tư. Bởi thực tế lâu nay, anh em trong bệnh viện công vẫn “ăn gian” chạy ra làm tư trong giờ hành chính và nhiều bất cập khác nữa.
Theo Luật Khám chữa bệnh, từ 1-1-2011, không còn phòng mạch tư nhưng còn phòng khám đa khoa và bệnh viện tư nhân. Vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy gì? Anh em bác sĩ lâu nay ở bệnh viện công có phòng mạch tư sẽ mất đi một khoản thu nhập đáng kể. Có phòng mạch mỗi tháng thu về cả trăm triệu đồng, nhưng nay chuyên tâm cho bệnh viện công chỉ 5 triệu đồng/tháng thì đời sống sẽ vất vả. Kế tiếp sẽ giải quyết gần 6.000 phòng mạch tư ở TPHCM hiện nay như thế nào khi lâu nay những nơi này giải quyết được một lượng bệnh nhân khá lớn? Chỉ lấy trung bình mỗi phòng mạch khám 5 bệnh nhân/ngày thì mỗi ngày đã khám cho 30.000 người. Nếu không còn phòng mạch thì số bệnh nhân này dồn về bệnh viện công và quá tải lại thêm quá tải.
Một vấn đề nữa là khi đó sẽ nở rộ các phòng khám đa khoa tư nhân và bệnh viện tư vì không ít bác sĩ ở bệnh viện công có tiềm lực kết hợp lại để làm. Còn những bác sĩ không có tiềm lực mà muốn có thu nhập cao thì nhảy qua bệnh viện tư hoặc phòng khám đa khoa tư. Do đó sẽ thiếu hụt bác sĩ ở bệnh viện công. Đó là một sự mất cân đối.
Vì vậy, cốt lõi là cần có chính sách thay đổi cơ chế lương bổng cho bác sĩ ở bệnh viện công mới rạch ròi công - tư. Mặc dù Bộ Y tế đã có lộ trình từ 3 năm trước để đến 2010 chấm dứt bác sĩ ở bệnh viện công mở phòng mạch tư nhưng theo tôi cần gia hạn thêm lộ trình.
BS Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TPHCM: Cân nhắc thiệt hơn
Với thực tế nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay thì tiếp tục cho bác sĩ ở bệnh viện công làm phòng mạch tư là hợp lý. Bệnh viện công đã quá tải mà phòng mạch tư không còn chia sẻ nữa thì càng quá tải trầm trọng. Cấm bác sĩ bệnh viện công làm phòng mạch tư là biện pháp tốt nhưng cần cân nhắc thiệt mặt nào, được mặt nào. Tích cực cái gì và tiêu cực chỗ nào. Việc nở rộ mở phòng mạch tư như các năm qua là vấn đề cuộc sống, vấn đề thu nhập trong khi cơ chế đãi ngộ của Nhà nước chưa thực sự tốt. Song có những bác sĩ tay nghề chưa cao nhưng mở phòng mạch thì cũng đáng lo.
Theo tôi, quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng công tác khám chữa bệnh. Kế tiếp là cải thiện chế độ lương bổng cho bác sĩ trong bệnh viện công mới có thể nói đến chuyện chấm dứt phòng mạch tư.
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM: Xem lại công tác đào tạo chuyên môn
Tôi thấy việc cho phép bác sĩ trong bệnh viện công mở phòng mạch tư lâu nay còn dễ dãi. Một bác sĩ ra trường, cứ đến một bệnh viện công nào đó làm, cấp thành phố hay cấp quận huyện gì cũng được, hết thời gian tập sự khoảng 2 năm, được xác nhận của giám đốc bệnh viện là xin mở được phòng mạch tư. Những quy định như vậy vẫn còn nặng tính hành chính mà chưa chú trọng đến chuyên môn nghề nghiệp. Chưa kể, khi có phòng mạch tư đương nhiên bác sĩ cũng phải “chăm chút” để bù lại khoản chi phí 6 năm học hành.
Tóm lại, phòng mạch tư vẫn chú trọng đến vấn đề thu nhập nên không loại trừ những bất cập mà lâu nay dư luận lên tiếng. Theo tôi, nếu tiếp tục cho bác sĩ trong bệnh viện công mở phòng mạch tư phải xem lại công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ cũng như y đức. Dù rằng thời điểm này chấm dứt phòng mạch tư sẽ nảy sinh những khó khăn nhưng đó là điều cần hướng tới để không còn tình trạng bác sĩ “đứng chân trong, chân ngoài”
TƯỜNG LÂM (ghi)