“Tiệm điện Văn Tấn - sửa điện xe hơi và xe gắn máy” (26 Trần Huy Liệu, phường 12, quận Phú Nhuận, TPHCM) nằm khá lặng lẽ, dù vị thế ngay góc ngã tư đông đúc, lúc nào cũng xe cộ không ngớt. Ngay cả tấm biển tên cửa tiệm cũng hoen dấu thời gian, phải nhìn kỹ mới đọc ra, nhưng kiểu chữ trên tấm biển lại rất đặc trưng.
Gọi theo cách hiện đại ngày nay, đó là kiểu chữ (font) thời bao cấp. Ở thành phố mà mỗi ngày nhịp sống đều vận động không ngừng, không còn quá nhiều những cửa tiệm giữ lại được những tấm biển quảng cáo dễ cũng có tuổi đời mấy chục năm như thế.
Giữa Sài Gòn - TPHCM hoa lệ, không quá khó để bắt gặp những panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền với font chữ kiểu bao cấp. Phổ biến nhất là những áp phích tuyên truyền cho các hoạt động như ngày bầu cử, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh…
Dường như, luôn có một mặc định những kiểu tranh cổ động như thế này, font chữ, kiểu chữ ấy luôn được ưa chuộng như luật bất thành văn. Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến tấm poster “Ở nhà là yêu nước” của chàng trai 8X Lê Đức Hiệp. Cũng với font chữ đặc trưng ấy, nhưng thông điệp lồng ghép vào đó lại rất bắt trend (xu hướng) của giới trẻ nên không ngạc nhiên khi nó rất thu hút, bán được đến vài trăm bản cho những ai thích sưu tập. Font chữ này cũng gợi nhớ đến những bộ phim điện ảnh với bối cảnh của mấy mươi năm về trước như Cô ba Sài Gòn, hay Song Lang từng đình đám cách đây vài năm.
Có một giai đoạn, ở thành phố nhộn nhịp này, kiểu chữ thời bao cấp được xem là mốt. Không ít nhà hàng, quán cà phê theo phong cách cổ điển đã giữ lại phong cách này như một điểm nhấn đặc trưng. Được biết đến nhiều hơn cả có café Cộng - đặc biệt như chính cái tên của nó từ khi du nhập từ thủ đô Hà Nội vào Sài Gòn - TPHCM.
Ngoài ra còn có cà phê Linh (đường Trương Định), cà phê Gạc-măng-rê (Huỳnh Văn Bánh), cà phê Nhà mình (Nguyễn Văn Khối), cà phê Mưa rào, cà phê Nhỏ (Lê Văn Sỹ) hay quán ăn Mậu dịch (Tôn Thất Đạm)…
Với những người thuộc thế hệ 7X trở về trước, thời bao cấp gắn liền với tuổi thơ. Đến thế hệ 8X thì những ký ức dần phai mờ. Và với gen Y, Z... tất cả chỉ còn là những tư liệu qua sách báo, phim ảnh. Nhưng có một điều khá đặc biệt là dù có sống ở thời kỳ bao cấp hay không, những font chữ trên những tấm biển quảng cáo, biển hiệu ấy vẫn gợi cảm giác vừa thân quen, vừa tò mò. Nó mang nét đẹp của sự hoài cổ để rồi chúng ta cứ vậy, bị cuốn vào hồi ức về những điều xưa cũ ẩn sau những dòng chữ đó.
Không chỉ là những biển hiệu như một cách tạo khác biệt và hút khách, nhiều quán cà phê, nhà hàng còn tạo nên không gian của sự hoài niệm. Những món ăn, thức uống chắc chắn không thể như xưa.
Nhưng, rất nhiều vật dụng từ chiếc gạc-măng-rê (chạn bát), chiếc tivi đen trắng, đĩa hát, cuốn tập nhạc, đài cassette, những mẩu tem phiếu… được sưu tầm, bày biện tạo nên sự thích thú cho mỗi vị khách ghé thăm. Chí ít nó tạo không gian để người ta được lắng lại, được tò mò và cả thu mình trong những góc nhỏ và thấy cuộc sống chậm trôi hơn phần nào.