
Nghi lễ không thể thiếu trong dịp đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày vùng Việt Bắc là lễ hội Lồng tồng (Xuống đồng). Đây là lễ hội đặc trưng quy tụ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Việt Bắc.
Đã thành tập tục, ngay sau Tết Nguyên đán, các bản Tày rộn rịp chuẩn bị lễ hội xuống đồng. Những ngày vui xuân chấm dứt, một mùa đồng áng lại bắt đầu. Ngàn đời nay, người Tày sống trong những ngôi nhà sàn lưng chừng núi và trồng lúa nước. Ngày đầu tiên của vụ trồng cấy mới được tổ chức trong không khí linh thiêng. Từ ngày mùng ba Tết, lễ hội bắt đầu lần lượt từ bản này đến bản khác kéo dài đến hết tháng Giêng.

Hát xin dâu của người Tày, Định Hóa.
Đã bốn năm nay, cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng, tại xã Phú Đình – trung tâm An toàn khu (ATK) thủ đô kháng chiến- huyện Định Hóa (Thái Nguyên) lại tổ chức lễ hội “Lồng tồng” trên quy mô toàn huyện. Định Hóa là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống nhất tỉnh Thái Nguyên (khoảng trên 40 ngàn người). Năm nào lễ hội cũng thu hút hàng vạn người tham gia. Không chỉ có bà con ở 24 xã, thị trấn trong huyện mà nhân dân quanh vùng và các tỉnh lân cận: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang cũng đổ về dự hội.
Phần lễ bắt đầu bằng lễ cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm sinh sôi, bản làng yên vui hạnh phúc. Cầu Thần Nông phù hộ để dân bản được “cùng nhau mừng đón phúc lộc xuân”. Sau lễ cầu mùa là lễ kỳ yên. Người dự hội nô nức kéo nhau đến khoảng ruộng gần khu vực lễ hội, tại đây, một lão nông giỏi đánh trâu cày những đường cày đầu tiên, bắt đầu một vụ mùa mới hứa hẹn bội thu.
Xong phần lễ, không khí vui hội thực sự tưng bừng. Người trảy hội tụ tập quanh cây còn. Trước đây, hội tung còn là nơi giao duyên giữa nam và nữ, nay, hội tung còn là sân chơi chung của tất cả mọi người, già, trẻ, gái, trai. Hàng trăm quả còn được đồng loạt tung lên, hướng về đồng tâm như đàn chim cuối chiều tìm về tổ.

Lễ cúng kỳ yên.
Những quả còn ném trúng đồng tâm sẽ được nộp về ban tổ chức nhận giải, và các quả còn, lúc này đã trở thành vật thiêng, được tặng lại cho các khách quý. Dù cây còn cao trên 10m, vòng tròn đồng tâm rất nhỏ, thế nhưng năm nào cũng chỉ sau vài phút đã có người ném trúng. Đồng bào Tày tin rằng, điều đó đem lại sự may mắn cho năm mới.
Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa năm nay thu hút trên 80 ngàn người tham dự. Rất nhiều các trò chơi dân gian: Múa sư tử, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, chọi gà,… được tổ chức. Nhưng múa rối Tày vùng Thẩm Dộc, tiết mục hát ví của hai cụ bà ở xã Điềm Mặc và tiết mục trích lễ đưa đón dâu của đồng bào Tày xã Phượng Tiến chiếm được cảm tình của du khách nhất.
Xuất hiện trên sân khấu với tấm áo chàm truyền thống, cụ bà Ma Thị Thoi 76 tuổi ở bản Bắc xã Điềm Mặc thu hút tất cả các ống kính máy ảnh của các nhiếp ảnh gia, vì đó là nét bản sắc hiếm hoi tại lễ hội này. Cụ Thoi hát những lời hát ví của các cô gái Tày khi nhớ người yêu: Nhớ chàng cơm chẳng buồn ăn/ áo chẳng buồn mặc, nằm lăn giữa nhà. Nhớ chàng cơm chẳng buồn nhai/ Đặt đũa thở dài, uống nước cầm hơi. Nhớ chàng chẳng biết làm sao/ Giả cách đi chợ, mua dao về cầm.
Mùa xuân trảy hội, lẽ ra phải vui phơi phới thì lại man mác buồn. Cụ Nguyễn Thị Chỏi, Nguyễn Thị Ngư ở xã Phượng Tiến, đều đã trên 70 tuổi, lo lắng tập tục của dân tộc mình đang bị mai một dần. Các đám cưới Tày nay đã giản tiện đi rất nhiều, nhà trai không còn nói với nhà gái những câu đẹp lòng thế này nữa: “Giờ lành đã đến, xin được thay mặt họ nhà trai giao lễ, cho hai họ từ nay phượng hoàng kết nghĩa chim công .” Nét đẹp văn hóa truyền thống nếu không được bảo tồn phát huy sẽ bị thời gian và sự quên lãng vùi lấp.

Hát ví bây giờ chỉ còn dành cho người già.
Cụ Thoi bảo: “bây giờ người trẻ không hát những câu ấy nữa. Hát tiếng Tày không ai nghe được nên hát tiếng Kinh thôi. Trước đây cũng có nhiều con trai hát lại (hát đối) với bà nhưng bây giờ già hết rồi, không hát được nữa, bà cũng quên nhiều rồi, con cháu không thích nghe hát Tày nữa”.
Không mặc trang phục truyền thống. Không nói tiếng dân tộc và không hiểu tiếng dân tộc mình, đó là thực tại ở lớp người trẻ tuổi dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa. Tiết mục xin dâu của xã Phượng Tiến hát bằng tiếng Tày, chỉ có một số ít người già dự hội là chăm chú theo dõi, những người còn lại không hiểu gì lời bài hát.
Ông Hạc Văn Chinh, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Định Hóa, người Tày Định Hóa, bảo: “không nghe được, không hiểu được”. Ngay cả người Phượng Tiến, khi được hỏi về nội dung bài hát cũng phải tìm bằng được người biểu diễn đến, vì “không hiểu đâu lố, chỉ biết bằng tiếng Tày thôi, không biết nói cho người Kinh nghe đâu”.
Không biết mùa xuân sau, rồi mùa xuân sau nữa, tan hội có được nghe câu hát “Người về người chả được đưa/ Xin giời đừng nắng, chớ mưa trơn đường”, bằng chất giọng Tày khỏe, trầm ấm thay cho tiếng hát đã bắt đầu yếu sức của cụ Thoi?
BẠCH LIỄU