Nét mới ở Ngày thơ Việt Nam

Nét mới ở Ngày thơ Việt Nam

Đã trở thành thông lệ, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 sẽ diễn ra vào rằm tháng Giêng tới đây, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn yêu thơ trên cả nước.

Hà Nội: Lần đầu có sân thơ thiếu nhi

Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, vào đúng ngày rằm tháng Giêng năm Bính Thân (22-2) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tập trung với hai khu vực chính là sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ.

Nếu như những năm trước, sân thơ thiếu nhi chỉ là hoạt động nhỏ diễn ra ở Hồ Văn, phía bên kia đường và có phần biệt lập với không khí của ngày hội thơ thì trong Ngày thơ Việt Nam 2016, lần đầu tiên, sân thơ thiếu nhi đã đường hoàng đứng chung với sân thơ trẻ tại sân Thái Học - Văn Miếu.

Theo nhà thơ Anh Vũ, sân thơ thiếu nhi sẽ  tươi mới và bay bổng với sự kết hợp của âm thanh, vũ điệu với nhiều tiết mục nhằm thu hút thiếu nhi đến với thơ ca. Những lần trước, phông sân khấu của sân thơ trẻ được trình bày bằng đồ họa thì năm nay nền là một bức tranh sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mặt trời chiếu sáng trên nền trời xanh, bên dưới là con đường rực rỡ màu sắc, mang biểu tượng ngũ hành xuân. Cách bài trí này cũng thể hiện mong muốn và ước vọng đất nước ta bắt đầu bước vào một vận hội mới, đi trên con đường mùa xuân của thời đại đúng như chủ đề Đường xuân mà sân thơ trẻ lựa chọn.

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, hai nhân vật chính sẽ chạy xuyên suốt câu chuyện thơ trên sân thơ thiếu nhi năm nay là Đức Hải và Bảo Châu (Câu lạc bộ Đọc sách cùng con).

Tham dự sân thơ của riêng mình, các em nhỏ không chỉ đọc thơ của mình, dành riêng cho lứa tuổi mình mà còn thể hiện nhiều khả năng xuất sắc vượt trội như đọc thơ bằng tiếng Anh, ca hát, nhảy múa... Tại đây, ban tổ chức cũng vô cùng tâm lý khi sắp xếp hai âu kẹo cực lớn để phục vụ các khán giả thiếu nhi và khách dự ngày thơ.

Nhân dịp này, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với lãnh sự quán các nước thành viên của EU và các trung tâm văn hóa châu Âu tại Việt Nam cũng tổ chức giới thiệu các tác phẩm thơ ca châu Âu chọn lọc tại ngày thơ. Đặc biệt, nhà thơ André Velter (Pháp) và nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Jean - Pierre Orban (vương quốc Bỉ) cũng sẽ có mặt tại gian thơ EU để giao lưu với khán giả của Ngày thơ Việt Nam.

TPHCM: Trình diễn thơ về biển đảo

Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Ngày thơ Nguyên tiêu TPHCM năm nay có chủ đề chính là Xuân mới phát triển mới và tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Bắt đầu vào sáng 20-2 với hội thảo “Sức sống thi ca TPHCM”. Đây là một trong những cuộc hội thảo hiếm hoi về đề tài sáng tác thơ ở TP trong thời gian qua. Có khoảng 20 tham luận gửi về tham dự, tập trung vào các vấn đề từ lý luận phê bình đến các trao đổi về chuyên môn, thực tế sáng tác và phổ biến thơ hiện nay. Nhằm mang đến tính thực tiễn cho hội thảo, ban tổ chức đã giới hạn chủ đề trao đổi xoay quanh thơ TP trong khoảng thời gian 5 năm (2010 - 2015).

Trưa 21-2, hoạt động lều thơ sẽ chính thức bắt đầu. Đây được xem là truyền thống của Ngày thơ TP khi các CLB thơ quận huyện, các trường đại học xây dựng những lều thơ với các chủ đề khác nhau, tổ chức biểu diễn ở các lều, hay giao lưu giữa các đơn vị với nhau.

Năm nay, có hơn 20 lều thơ sẽ được dựng lên trong khuôn viên sân Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Ngoài ra, từ 15 giờ, tại sân khấu chính sẽ diễn ra chương trình biểu diễn của các đơn vị với nhiều tiết mục sân khấu hóa mang đậm nét riêng như múa thơ, hát xẩm thơ, thơ giao duyên…

Năm nay, các nhà thơ trẻ được ưu ái dành một khu vực riêng để tổ chức nhiều sự kiện như triển lãm ký họa các nhà thơ, tác phẩm thơ, triển lãm các sách thơ…

Các nghệ sĩ TP tập dợt để tham gia Tình đất tình người phương Nam tại Hà Tiên

Tối cùng ngày sẽ là sự kiện chính của Ngày thơ TP mà mở đầu là tiết mục đánh trống khai hội thơ. Tiếp sau đó là tiết mục Mời thơ nối tình yêu đất nước, các nhà thơ trẻ sẽ mời các nhà thơ nổi tiếng lên cùng đọc thơ, giao lưu về ý tưởng, kinh nghiệm sáng tác… Tiết mục “đinh” của đêm sẽ là vở kịch thơ Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên do Ban Thơ trẻ Hội Nhà văn TP tổ chức. Tên chương trình lấy từ tên bài thơ của nhà thơ trẻ Minh Đan. Những nhà thơ trẻ sẽ hóa thân thành chiến sĩ hải quân đang canh giữ chủ quyền đất nước và những người thân trong đất liền ra, họ sẽ cùng đọc các bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước, về tình cảm của những người con đang làm nhiệm vụ nơi xa cũng như tình yêu của những người nơi đất liền gửi đến các chiến sĩ biên cương.

Chiều 22-2, diễn ra cuộc giao lưu giữa các nhà thơ TP với sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM xung quanh những vấn đề về thơ ca hiện nay. Đây cũng được xem là hoạt động cuối cùng khép lại Ngày thơ TPHCM năm 2016.

Nằm trong loạt hoạt động Ngày thơ Việt Nam, vào tối 20-2, một đoàn nhà thơ, văn nghệ sĩ TPHCM sẽ có mặt tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tham dự Liên hoan trình diễn thơ và triển lãm thư pháp Tình đất tình người phương Nam do Bộ VH-TT-DL tổ chức. Đoàn TP gồm 16 văn nghệ sĩ gồm các nhà thơ, ca sĩ, biên kịch, diễn ngâm, biểu diễn… đem đến liên hoan tiết mục Biển đảo quê hương, tái hiện hình ảnh một đoàn văn nghệ sĩ ra thăm chiến sĩ Trường Sa và cùng chiến sĩ biểu diễn các bài thơ, bài hát, điệu múa thể hiện sự hy sinh của những người lính bảo vệ Tổ quốc cũng như những tình cảm của người hậu phương.

TƯỜNG VY - MAI AN

Tin cùng chuyên mục