Nếu anh không về

“Nếu anh không về trong buổi chiều nay/ Em đừng buồn và âu lo quá nhé/ Nhớ đón con và động viên cha mẹ/ Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên/ Bao nhiêu người cũng rất muốn đoàn viên/ Nhưng Covid đang tràn lan đất nước/ Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được/ Khi các bạn anh, bạc tóc, hao gầy…”.

Bài thơ Nếu anh không về lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội những ngày qua bắt đầu như thế đó (xem bài thơ Nếu anh không về).

Bài thơ gồm 6 khổ với 24 câu thơ. Đứng từ góc nhìn bên trong, câu chuyện phía sau của những người nơi tuyến đầu đang trực tiếp làm công tác chống dịch, tác giả đã nói lên nỗi lòng của họ. Lời thơ không diễn tả bằng những câu từ đao to búa lớn mà bằng sẻ chia nhẹ nhàng trấn an người thân trong gia đình mình. Sau lời trấn an là tâm thế sẵn sàng, quyết tâm lên đường. Và bài thơ là cả tấm lòng tri ân, trân trọng của tác giả, của mỗi người dân đối với bao người nơi tuyến đầu.

Nếu anh không về ảnh 1 Vũ Tuấn - tác giả bài thơ Nếu anh không về
Tác giả bài thơ là anh Vũ Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Anh kể, sáng 20-3, sau khi thức dậy xem báo mạng, thấy thông tin nước Italy, Iran có thêm hơn ngàn người ra đi vì dịch bệnh, Tây Ban Nha cũng tăng người nhiễm virus SARS-CoV-2, và hình ảnh các y bác sĩ, các chiến sĩ công an, bộ đội nước nhà đang vất vả nhọc nhằn trong các khu cách ly, khu điều trị… đập vào mắt anh. Lòng anh cứ nghẹn ngào, rưng rưng. Thế rồi, những câu thơ cứ ngân lên trong tim. 

“Khi viết bài thơ, tôi khóc. Tôi đã thử đặt mình vào vị trí của những người nơi tuyến đầu, đặc biệt là các y bác sĩ, tóc bạc đầu, mặt hằn vết khẩu trang hay những chiến sĩ bộ đội ngủ rừng, lán trại với những bữa cơm ăn vội. Mình cảm nhận được sự thầm lặng của họ. Có lẽ đọc bài thơ mọi người dễ dàng nhận thấy rõ sự vất vả, gian nan, có thể hiểm nguy đến tính mạng của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch. Thông điệp thấu hiểu, sẻ chia với họ cũng hiển hiện trong đó. Bởi bớt một người bị cách ly, bớt một người bị nhiễm bệnh là bớt đi sự lo âu, đặc biệt bớt đi sự nhọc nhằn cho bao người trên tuyến đầu”, anh Vũ Tuấn trải lòng. 

Anh Vũ Tuấn chia sẻ thêm: Hẳn ai sau mỗi ngày lao động vất vả đều mong muốn có buổi tối quây quần cùng gia đình, đặc biệt là được nhìn ánh mắt trẻ thơ đau đáu chờ cha mẹ về. Nhưng, với người nơi tuyến đầu, khi Tổ quốc gọi, khi sức khỏe đồng bào bị đe dọa, họ sẵn sàng lên đường, bỏ lại sau lưng bao lo toan, bao tình cảm riêng tư. Anh nói: “Trong sâu thẳm, tôi thật sự biết ơn họ. Trong họ có một tình yêu vĩ đại: đó là tình yêu Tổ quốc - Cả thế giới chìm một màu tang tóc/ Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc/ Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân/ Anh không về, vì dân tộc đang cần…”.

Bài thơ Nếu anh không về được nhiều người biết đến đã thật sự lan tỏa, lay động lòng người; góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những lực lượng nơi tuyến đầu. Và cũng là lời sẻ chia với hậu phương: Hãy làm thật tốt vai trò của mình để người tuyến trên vơi bớt nhọc nhằn. 
Ngoài bài thơ Nếu anh không về, trong thời gian này, anh Vũ Tuấn còn viết khoảng 14 bài thơ sẻ chia về những gian nan vất vả của người nơi tuyến đầu, về tinh thần lạc quan, tin yêu giữa thời điểm dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến phức tạp. Những bài thơ đã lan tỏa mạnh mẽ như: Tổ quốc mình đẹp lắm em ơi!, Đất nước mình có tên anh tên em, Tiếng gọi trái tim, Ý thức mình đáng giá được mấy xu, Quê hương… 

“Từ nhỏ, tôi đã thích thơ. Những bài thơ thuộc dạng tự do được học trong chương trình phổ thông tôi đều thuộc lòng. Vì thế, thơ chính là tâm hồn tôi. Sau này, đứng trước những điều xảy ra xung quanh mình, thơ tự nhiên chảy tràn từ bên trong tâm hồn như thế đó. Tôi muốn dùng thơ để khơi dậy tình yêu Tổ quốc, đánh thức sự nhân văn sâu thẳm trong trái tim mọi người…  Khi biết bài thơ Nếu anh không về được lan tỏa đến mọi người, tôi thấy vui. Không phải vì bài thơ hay, mà vui vì sự nhân văn, vì tình yêu Tổ quốc trong mỗi người dân Việt là vô cùng to lớn”, anh Vũ Tuấn tâm sự.

Tin cùng chuyên mục