Nga đối phó với kịch bản xấu về giá dầu

Ngày 14-1, khi giá dầu Brent biển Bắc tại thị trường châu Á tuột xuống mức dưới 30USD/thùng thì tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu tất cả các bộ sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào của thị trường. Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong 1 thập kỷ qua.

Chuẩn bị tâm lý cho mọi diễn biến thị trường

Trong cuộc họp nội các ngày 13-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu tất cả các bộ sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào của thị trường hàng hóa và chứng khoán. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng ta phải sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào, bất kỳ tình huống nào, sẵn sàng cho các kịch bản kinh tế Nga theo bất cứ phương án nào”.

Tình trạng khó khăn nhất của nền kinh tế Nga diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua khiến ngân sách Nga thâm hụt nặng. Theo Reuters, lạm phát sẽ tăng, tình trạng suy thoái mà chính phủ dự báo sẽ kết thúc trong năm 2016 sẽ được gia hạn. Trong trường hợp xấu nhất là giá dầu vẫn duy trì dưới 30USD/thùng thì ngân khố của Nga sẽ trống rỗng trong vòng 1 năm sau một thập kỷ bội thu nhờ giá dầu. Mặc dù thâm thụt ngân sách dự kiến năm nay là 3% để cân bằng kinh tế vĩ mô, nhưng nếu giá dầu vẫn dưới 30 USD/thùng thì mức thâm thụt này có thể sẽ lên 5%.

Trước đó, cùng ngày, phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Gaidar thường niên lần thứ 7 với chủ đề “Nga và thế giới: Hướng tới tương lai”, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng kêu gọi chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” giống như ở các nước khác và nếu giá dầu tiếp tục giảm cần điều chỉnh ngân sách. Theo báo Vedomosti, Phó Thủ tướng Igor Shuvalov cũng đã chỉ thị cho các bộ trưởng chuẩn bị cho các “kịch bản căng thẳng” khác nhau, theo đó giá dầu Urals ở các mức 25USD, 35USD và 45USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, bộ của ông sẽ trình đề xuất để điều chỉnh ngân sách năm 2016 vì nếu không như vậy, Nga sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1998.

Chống lại sức ép của EU

Tại Diễn đàn quốc tế Gaidar, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexey Likhachev cho biết, nếu như Nga bị thiệt hại khoảng 25 tỷ EUR trong năm 2015 do các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), thì mức thiệt hại mà EU hứng chịu do các biện pháp tương tự từ Mátxcơva trong năm 2015 là 50 tỷ EUR. Cuối năm 2015, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau đã được gia hạn tới giữa năm 2016. Đại diện thường trực EU tại Liên bang Nga Vygaudas Usackas cho biết, Mátxcơva và Brussels (Bỉ) sẽ thảo luận về việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt chống Nga. Tuy nhiên, EU vẫn quyết gắn việc thực hiện các thỏa thuận Minsk với việc dỡ bỏ trừng phạt Nga.

Mặc dù thừa nhận những thách thức đối với kinh tế Nga là nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua, song Thủ tướng Medvedev cho biết kinh tế Nga đã cho thấy sự vững chắc trong cơ chế thị trường, ngay cả khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt. Theo Thủ tướng Medvedev, nền kinh tế vẫn có thể kiểm soát được. Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, trong đó phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Trong năm 2016, kinh tế Nga được củng cố nhờ nợ nước ngoài ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lớn, và ngành ngân hàng Nga vẫn hoạt động ổn định.

Theo đánh giá của Tổng thống Putin, đến nay các thành viên nội các đã ứng phó với tình trạng khó khăn của nền kinh tế với độ chuyên nghiệp cao. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nước Nga phải cần có những biện pháp kích thích để kinh tế phục hồi trở lại trong khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây nên không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục