

Mâu thuẫn do bất đồng giữa Nga và Mỹ từ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn tại Đông Âu đã phủ bóng đen lên Hội nghị Hội đồng NATO - Nga (ảnh) đang diễn ra tại Oslo (Na Uy). Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tiếp tục khẳng định lập trường của Nga cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống này do cái gọi là “mối đe dọa từ Iran” như Mỹ nêu ra là không có cơ sở.
Tehran chưa đủ khả năng chế tạo các tên lửa tầm xa có thể phóng tới châu Âu trong vòng một thập kỷ tới. Nga bày tỏ ý lo ngại hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ không chỉ dừng lại ở 10 tên lửa đánh chặn bố trí trên lãnh thổ Ba Lan và một hệ thống rađa ở CH Séc, có thể đe dọa an ninh của Nga và phá vỡ thế cân bằng địa-chính trị tại châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice đã phản bác lại tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov và biện luận rằng mối đe dọa từ Iran là hoàn toàn có cơ sở và kêu gọi các đồng minh lân cận ủng hộ Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn tại Đông Âu.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã chính thức thông báo với NATO về việc Nga tạm ngừng thực hiện Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) do Khối Warsaw và NATO ký năm 1990. Chủ trương này của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin nêu lên trong thông điệp liên bang 2007 vào ngày 26-4. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov nhấn mạnh rằng việc Nga rút khỏi CFE không ảnh hưởng tới sự cân bằng lực lượng ở châu Âu vì sự cân bằng này đã bị NATO phá vỡ.
Trong khi đó, các đồng minh NATO đã ủng hộ những cuộc đối thoại về lá chắn tên lửa Đông Âu và đề xuất hợp tác của Mỹ với Nga. Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer tỏ ý thất vọng sau tuyên bố của ông Lavrov. Đồng thời, bày tỏ lo ngại về quyết định của Mátxcơva đối với CFE.
T.H. (Theo AP, THX, Itar- Tass)