Nga tăng tốc đầu tư chất xám

Chính phủ Nga vừa quyết định chi 400 triệu USD phát triển khoa học đến năm 2013. Mục tiêu của chiến lược là nhằm thu hút những nhà khoa học tầm cỡ thế giới, bao gồm cả những kiều dân Nga và cả công dân Liên Xô trước đây đã di cư khỏi đất nước.

Để phục vụ cho mục đích đó, Nga đặt ra giải thưởng - tài trợ đặc biệt, mỗi giải gồm 5 triệu USD. Kinh phí này được cấp trên cơ sở cuộc thi công trình nghiên cứu khoa học tiến hành tại các trường đại học Nga, bước đầu đã thu hút được hơn 400 đơn đăng ký của nhiều chuyên gia, trong đó có những cái tên rất nổi tiếng như Ferid Murad (Nobel Y học năm 1998), nhà toán học Stanislav Smirnov (giải Fields năm 2010).

Quyết định này là chuyển động mạnh mẽ nhất của Chính phủ Nga sau nhiều năm chưa chú trọng đúng mức đến phát triển khoa học, đặc biệt sau khi nổ ra nhiều tranh luận về sự kiện hai nhà khoa học Nga Andre Geim và Konstantin Novoselov đoạt giải Nobel Vật lý 2010 nhưng không phải từ các Viện nghiên cứu khoa học Nga. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Nga nhưng hiện đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh.

Dư luận cho rằng, bản thân việc đặt ra các khoản kinh phí hỗ trợ này nói lên rằng thái độ của Chính phủ Nga đối với khoa học đã đổi thay một cách tổng thể. Nga nhận thấy mình đang mất dần ảnh hưởng trong những lĩnh vực từng là thế mạnh như vật lý, toán học, năng lượng hạt nhân, khoa học vũ trụ… Nếu thành công, những trung tâm nghiên cứu được nhà nước đầu tư hoạt động sẽ đào tạo những thế hệ nhà khoa học mới phục vụ cho nhiều công trình nghiên cứu của đất nước.

Vào thời kỳ đỉnh cao của Liên bang Xô Viết, khoa học được đầu tư rất mạnh và đã mang lại những thành tựu khoa học vĩ đại. Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) thực hiện phần lớn các nghiên cứu cơ bản và được tài trợ tối đa, có tới hàng trăm viện nghiên cứu thành viên. Đa số các nghiên cứu được thực hiện trong các thành phố khoa học đặt ở nhiều vùng hẻo lánh của nước Nga và thường phục vụ cho quân đội.

Trước khi tan rã, Liên bang Xô Viết có tới 2 triệu nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên tại hơn 4.600 viện nghiên cứu. Những thống kê chính thức cho thấy khoảng 25.000 nhà khoa học đã rời Nga ra đi trong giai đoạn 1989 - 2004. Trong lúc số lượng nghiên cứu khoa học của nhiều nước tăng dần theo từng năm, Nga lại phải cố gắng để số lượng công trình khoa học trong năm sau không thấp hơn năm trước. Số lượng nghiên cứu của Nga chỉ chiếm 2,6% so với tổng số nghiên cứu của thế giới.

Giới quan sát cho rằng chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ sở nghiên cứu, tình trạng chảy máu chất xám và sự giảm động lực nghiên cứu của các nhà khoa học là những nguyên nhân chính khiến số lượng nghiên cứu khoa học của Nga giảm.

Iskander Akhatov, tác giả của hơn 90 công trình khoa học trong lĩnh vực vật lý, giảng dạy ở các trường đại học Mỹ từ năm 2003, là một trong số những nhà khoa học nộp đơn tham gia vào những chương trình thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Nga trong những ngày đầu tiên.

Trả lời câu hỏi, điều gì đã thúc đẩy ông tham gia cuộc thi, ông nói ngắn gọn: “Tôi vẫn là một người Nga và tôi muốn mang thành quả nghiên cứu, kinh nghiệm và kiến thức của mình đóng góp vào sự phát triển nền khoa học cơ bản của nước nhà”. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục