Ngăn cản quyền thăm nuôi khiến trẻ thiệt thòi

Lặn lội sang Pháp để khởi kiện đòi bạn trai (doanh nhân người Pháp) trả lại cô con gái nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền đã thắng kiện. Ngày 31-5, TAND TPHCM đã công nhận cho thi hành bản án tại Việt Nam. 
Hành trình tìm con ngập nước mắt
Trước năm 2013, chị Huyền có quan hệ với bạn trai là ông Azais Stephane Alexandre (doanh nhân người Pháp) và năm 2014, chị sinh ra bé Sara Thiên Kim. Do phát sinh mâu thuẫn từ khi mang thai bé được 6 tháng tuổi, họ đã chia tay. Tuy nhiên, sau khi sinh con, chị Huyền vẫn cho cha của bé đến thăm và chăm sóc bé.
Do được cơ quan ngoại giao của Pháp cấp giấy khai sinh nên khi Thiên Kim được 3 tháng tuổi, ông Azais đã tìm cách đưa bé về Pháp khiến hành trình tìm lại con gái của chị Huyền gian truân, ngập nước mắt.
Bị tước đoạt quyền nuôi con khi bé đang còn bú mẹ, chị Huyền đau khổ tột cùng. Không gục ngã, chị lên kế hoạch học tiếng Pháp và quyết định đến Pháp để khởi kiện ông Azais.
Vượt qua muôn vàn khó khăn trong hành trình tìm con nơi đất khách, đơn khởi kiện của chị Huyền cũng được Tòa sơ thẩm Thẩm quyền rộng Albi thụ lý. Tình thương con vô bờ bến và nghị lực phi thường của chị đã được đền bù khi việc đề nghị gặp lại con nhỏ được tòa án Pháp giải quyết.
Ngăn cản quyền thăm nuôi khiến trẻ thiệt thòi ảnh 1 Chị Huyền xem lại những tấm ảnh về con gái nhỏ do Tòa án Pháp cung cấp
Sau gần 2 năm xa cách, được nhìn thấy con, vui chơi với con trong vài lần ngắn ngủi cũng khiến chị vơi đi nỗi nhớ con. Rồi ánh sáng công lý cũng đồng hành với chị.
Tháng 6-2016, Tòa sơ thẩm Thẩm quyền rộng Albi đã xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền nuôi con, chị Huyền được tuyên thắng kiện. Tòa tuyên ông Alex giao lại con cho người mẹ và cho phép chị Huyền trở về nước cùng với con gái, ông Alex phải giao lại hộ chiếu của con cho chị Huyền giữ. 
Thế nhưng, cha của đứa trẻ vẫn cố tình không thi hành phán quyết này, sau đó đưa bé Thiên Kim về TPHCM, sống ở phường Thảo Điền, quận 2. Từ đó tới nay, chị Huyền không thể gặp lại con gái dù bé cư ngụ ở rất gần mình. Người mẹ này phải yêu cầu Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM ra quyết định công nhận toàn bộ bản án trên tại Việt Nam và thi hành.
Xét những điều kiện thực tế và dựa theo bản án đã được tòa án của Pháp tuyên, TAND TPHCM đã mở phiên họp xem xét yêu cầu của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền. Dù được tống đạt hợp lệ quyết định mở phiên tòa vào ngày 24-5 và theo xác minh của chính quyền địa phương, ông Azais hiện đang sinh sống tại phường Thảo Điền quận 2 TPHCM nhưng đương sự vẫn cố tình vắng mặt tại phiên họp không có lý do.
Đừng vì ích kỷ, nhỏ nhen
Sau 7 ngày mở phiên tòa, ngày 31-5, TAND TPHCM đã ra quyết định công nhận toàn bộ bản án của tòa án Pháp và cho thi hành tại Việt Nam.
Theo đó, chị Huyền sẽ được quyền chăm sóc, nuôi dạy và giữ hộ chiếu của bé. Ông Azais chịu trách nhiệm trả chi phí cho bé đi học tại một trường quốc tế; đồng thời có quyền đến thăm bé Thiên Kim.
Hiện tại, bé Thiên Kim đã gần 3 tuổi nhưng khoảng thời gian chị Huyền được gần con rất ngắn ngủi. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ nỗi đau bị chia cắt tình mẫu tử, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị sẽ làm đơn yêu cầu thi hành bản án ngay để đưa con gái về chung sống với mình.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, sau khi nhận được đơn nhờ giúp đỡ từ phía chị Huyền, hội đã nhanh chóng phối hợp cùng TAND quận 2 để nơi này ra quyết định có biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Azais và bé Thiên Kim. Tránh trường hợp bố đứa bé lại đưa con mình sang một nước thứ 3. Dù cuộc chiến pháp lý đòi lại con còn cam go vì cha bé cố tình vi phạm pháp luật, chia rẽ tình mẹ con nhưng chị Huyền vẫn hy vọng, tin tưởng các cơ quan pháp luật sẽ bảo vệ lẽ phải.
Đề cập đến thực tế ở nước ta còn rất nhiều vụ án liên quan đến tranh chấp quyền thăm nom, nuôi dưỡng con cái, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khẳng định: “Quyền thăm con bị cản trở là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và vi phạm về quyền, nghĩa vụ đối với con cái. Đặc biệt, ở vào từng giai đoạn cụ thể như trẻ còn nhỏ, đến tuổi đi học hoặc vào cấp 2, 3, đại học, việc thăm viếng, chăm sóc của cha mẹ giúp các em đỡ bị sốc về tinh thần, có điều kiện phát triển tốt hơn. Như thế, bị tước đoạt quyền cơ bản này, con trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Để đứa trẻ lớn lên trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội thì cha mẹ phải cùng góp sức nuôi dạy, chăm sóc. Ngăn cản quyền thăm con là đi ngược lại lợi ích của trẻ cũng như của cộng đồng”.
Câu chuyện gian truân đi tìm con trên đất Pháp của chị Huyền khiến chúng ta suy ngẫm về trách nhiệm, lương tâm làm cha, làm mẹ. Đừng vì những mưu tính ích kỷ, nhỏ nhen, không nghĩ đến quyền lợi của trẻ mà những nhân danh người cha hay mẹ đã tước đoạt quyền được thăm viếng, chăm sóc đối với chúng. 

Tin cùng chuyên mục