Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sau dịch

Tình trạng buôn bán hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu sau dịch Covid-19 khá phổ biến. Do đó, việc kiểm soát chặt hàng hóa từ chế tài của nhà nước và ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp hữu hiệu vừa bảo vệ doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần chọn những địa chỉ uy tín để mua hàng hóa
Người tiêu dùng cần chọn những địa chỉ uy tín để mua hàng hóa

Báo động kinh doanh hàng giả, hàng nhái

Tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo xuất xứ từ đầu năm 2022 tới nay có chiều hướng tăng, đặc biệt trong bối cảnh mua sắm qua thương mại điện tử gia tăng. Các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến bán các mặt hàng trên mạng không đúng quảng cáo, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo, nhưng khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại rất khác.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Công thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Bước sang năm 2022, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, thể hiện qua những vụ việc được cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố liên tục phát hiện và bắt giữ gần đây. Cụ thể, ngày 17-5, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh An Giang) đã tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh tại TP Châu Đốc và phát hiện 120 sản phẩm thời trang nam giả mạo các nhãn hiệu Lacoste, Polo, Gucci…

Tại Vĩnh Long, đầu tháng 5, lực lượng chức năng tỉnh này đã kiểm tra đột xuất điểm bán hàng qua mạng xã hội Facebook và phát hiện 2.070 sản phẩm (như kem dưỡng ẩm, nước tẩy trang, dầu gội…) là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về nhãn kinh doanh. Trước đó, ngày 20-4 tại Tây Ninh, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở kinh doanh 394 đơn vị mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ và 59 bộ quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu (Gucci, Dior). Cũng tại Tây Ninh, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 536 nón bảo hiểm không nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ.

Cách nào ngăn chặn?

Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái chỉ có thể thực hiện được khi có sự chung tay của cả hai phía người bán và khách hàng. Về giải pháp căn cơ, theo đại diện Tổng cục QLTT, cần hoàn thiện chính sách, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Cần tuyên truyền để cơ quan chức năng, người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.

Theo ông Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, để ứng phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, đơn vị này khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu các công nghệ chống hàng giả như tem chống hàng giả hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện hàng giả. Thông qua những giải pháp này, Trung tâm sẽ kết nối doanh nghiệp để họ sử dụng bảo vệ thương hiệu một cách hiệu quả hơn.

“Việc sử dụng công nghệ vào chống hàng giả không chỉ là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát và gia tăng lợi nhuận”, ông Nguyễn Minh Vỹ cho biết.

Cùng với các giải pháp trên, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua sắm cần lựa chọn những địa chỉ uy tín như siêu thị, trung tâm thương mại hoặc đại lý ủy quyền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. “Với những hàng hóa bày bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op nói riêng luôn được kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ.

Theo đó, nhà cung cấp phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng, bao bì. Ngoài ra, đơn vị còn có bộ phận chuyên trách thực hiện kiểm tra tại nguồn sản xuất, quá trình vận chuyển, lưu kho... Do vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp, cơ quan chức năng nỗ lực chống hàng gian, hàng giả, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc ưu tiên chọn sản phẩm tại những địa điểm uy tín, hệ thống có thương hiệu ổn định và lâu dài. Có như vậy mới mong ngăn chặn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng mạo danh hàng Việt”, đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục