Hoạt động tội phạm, lừa đảo thanh toán qua ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của cơ quan điều tra rất cần sự hợp tác của các bên liên quan. Theo cơ quan công an, thời gian qua, một số ngân hàng như ABBank, Sacombank, Techcombank... đã có sự hợp tác chặt chẽ, cung cấp thông tin về những tài khoản được dùng để nhận, chuyển tiền lừa đảo khi cơ quan điều tra đề nghị nên giúp ngăn chặn được một số vụ lừa đảo. Tuy vậy, không phải lúc nào Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Cụ thể, theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM, đầu năm 2015 cơ quan này tiếp nhận đơn trình báo của nhiều phụ nữ về việc bị một số đối tượng làm quen qua mạng xã hội facebook, đặt vấn đề tình cảm và hứa hẹn tặng quà, tiền. Tin lời nên khi có người liên hệ, tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát hàng hóa yêu cầu nộp các loại phí làm thủ tục nhận hàng, họ đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp rồi bị chiếm đoạt.
Giữa tháng 3-2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra bắt giữ Lê Thị Phương Trang, một mắt xích quan trọng trong băng nhóm lừa đảo bằng thủ đoạn trên. Trang khai nhận đã yêu cầu nhiều người bị hại chuyển tiền vào tài khoản 5485660043880925 mang tên P.T.H.A. và tài khoản 5485660020434027 mang tên N.T.H.N, đều mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank). Do chị P.T.H.A. cho biết không đăng ký tài khoản số 5485660043880925 nên cơ quan điều tra nhiều lần đề nghị MB Bank - chi nhánh Tây Hồ cung cấp bản chính hồ sơ đăng ký mở tài khoản này để thực hiện giám định chữ viết, chữ ký trên hồ sơ, tuy nhiên ngân hàng từ chối cung cấp. Tương tự, MB Bank - chi nhánh Chợ Lớn cũng không cung cấp thông tin về chị N.T.H.N., nên cơ quan điều tra không thể làm rõ những vấn đề trong vụ án. Đối với tài khoản 101010004641495 mở tại Ngân hàng VietinBank mang tên V.T.K.T., cơ quan điều tra có văn bản đề nghị cung cấp tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra nhưng đến nay cũng không nhận được kết quả.
Lý giải cho việc không cung cấp bản chính hồ sơ mở tài khoản và phát hành thẻ của khách hàng P.T.H.A., MB Bank - chi nhánh Tây Hồ cho rằng để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Lý do này căn cứ theo Nghị định số 70 ngày 21-11-2000 của Chính phủ và Thông tư số 02 ngày 4-4-2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 70 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi của khách hàng.
Tuy nhiên, tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nêu rõ: “Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ”. Điều 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 khi quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã lần lượt liệt kê theo thứ tự: 1 Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; 2 Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 3 Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 4 Nghị định của Chính phủ; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Điều 83 của luật này xác định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Bảo vệ quyền lợi của khách hàng là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật luôn cần được áp dụng công bằng trong mọi trường hợp và mọi lĩnh vực. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người bị hại trong những vụ án liên quan đến hoạt động lừa đảo thanh toán qua ngân hàng, việc hợp tác của các ngân hàng là hết sức cần thiết.
ÁI CHÂN