Ngăn chặn tình trạng dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để trục lợi

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Hội thảo ngày 28-2
Hội thảo ngày 28-2

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động cho biết, với những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ ngành và các địa phương, sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn khó kiểm soát; công tác xử lý chưa đủ sức răn đe... gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm giảm uy tín của hàng Việt và là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất của địa phương.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt chưa thực sự hưởng ứng cuộc vận động, chưa nhận thức được sức ép cạnh tranh của hàng ngoại nhập trong quá trình hội nhập; chưa mạnh dạn đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, khó đứng vững được trên thị trường trong nước cũng như quốc tế...

Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao; việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản xuất một số nơi chưa quan tâm nhiều; nhiều hãng sản xuất trong nước không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa...

Năm 2020, hàng hóa Việt Nam được đánh giá là chịu nhiều thách thức lớn, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7-2020... sẽ khiến hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn. Cuộc cạnh tranh giữa hàng hóa nước ngoài và hàng trong nước sẽ diễn ra gay gắt, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao.

Do đó, Ban chỉ đạo sẽ đề nghị Ban Bí thư Trung ương giao cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới; đề ra nhiệm vụ, giải pháp để nâng tầm cuộc vận động, khẳng định vai trò quan trọng của cuộc vận động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Chính phủ tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Chỉ đạo chính quyền các cấp ưu tiên mua sắm, đầu tư công đối với sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam...

Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục cuộc vận động ngày càng hiệu quả, đặc biệt cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiêu thụ thuận lợi.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng thị trường nội địa hiện nay lượng tiêu thụ rất lớn, chính vì vậy cần có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nêu ý kiến, Chính phủ cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ thực chất của ngành công nghiệp phụ trợ tạo cơ sở phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Thúc đẩy thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương hiệu quốc gia nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước để hàng hóa trong nước không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục thị trường thế giới.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị thực hiện tốt hơn việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu nhiều mặt đối với nền kinh tế đất nước...

Tin cùng chuyên mục