
Vụ "tắc gói 30.000 tỷ đồng"
Với quy định mới của Bộ Xây dựng là đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng phải thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không chỉ người mua nhà chật vật, doanh nghiệp xây dựng dự án bế tắc mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - đơn vị triển khai gói 30.000 tỷ đồng - cũng lúng túng. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết:

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM
Tính đến ngày 30-4-2015, có 3.784 khách hàng ở TPHCM được cam kết cho vay, trong đó có 3 doanh nghiệp (DN), còn lại là cá nhân. Tổng số tiền cam kết cho vay là 2.920 tỷ đồng (DN 708 tỷ đồng và hơn 2.200 tỷ đồng cho cá nhân vay) nhưng hiện mới giải ngân được 1.634 tỷ đồng.
Phóng viên: Thưa ông, sau khi có Văn bản 395 của Bộ Xây dựng, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng của các dự án trên địa bàn TPHCM như thế nào?
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH: Ách tắc rất nhiều sau khi Bộ Xây dựng ban hành văn bản trên. Hiện nhóm đối tượng không bị ảnh hưởng nhiều là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có thu nhập thấp, người lao động tự do, kinh doanh cá thể mà không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật thì gặp khó khăn trong việc làm thủ tục vay gói này. Thực tế cho thấy, nếu một người được vay tối đa khoảng 800 triệu đồng trong vòng 15 năm (180 tháng) để mua nhà, thì tháng đầu tiên phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 8,4 triệu đồng, đến tháng cuối cùng người vay chỉ phải trả gốc và lãi 4,6 triệu đồng, như vậy một người thu nhập dưới 9 triệu đồng sau khi trừ các chi phí sinh hoạt khó có khả năng trả nợ vay.
Mặc dù vậy, hiện một số ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn linh hoạt cho các trường hợp thu nhập dưới 9 triệu vay như BIDV. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ giải quyết cho những trường hợp có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng mà có giảm trừ gia cảnh và phần thu nhập còn lại không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo tôi, quy định này nên được quy định cụ thể vào các văn bản quy phạm pháp luật hoặc đưa vào các cơ chế cho vay, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận được gói vay hỗ trợ dễ dàng hơn; đồng thời thống nhất quy định rõ ràng để các ngân hàng cùng thực hiện chứ không phải mạnh ngân hàng nào ngân hàng nấy làm, hoặc ngân hàng linh động thì giải quyết cho khách hàng, còn không thì ngưng luôn như hiện nay. Đó là chưa kể nếu không quy định rõ ràng thì sự linh động của những ngân hàng đang thực hiện có thể sẽ bị “thổi còi”, như vậy cũng gây khó cho ngân hàng.
NHNN có nắm được kiến nghị của các NHTM đã và đang cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng khi bị vướng từ Văn bản 395, hầu hết khó khăn đó là gì?
Sau khi có văn bản này, các NHTM phản ánh rất khó cho vay nếu căn cứ vào quy định mà Bộ Xây dựng đưa ra. Các NHTM đã kiến nghị 3 vướng mắc chính để tháo gỡ nhằm đẩy mạnh gói cho vay này. Thứ nhất, việc xác định người thu nhập thấp để được vay là 1 người hay cả 2 vợ chồng, bởi lẽ nếu vợ hoặc chồng có một người thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, 1 người thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng thì có được xét cho vay hay không? Thứ hai, theo quy định thời hạn cuối cùng để giải ngân là ngày 31-5-2016. Hiện nhiều trường hợp mới vay và theo tiến độ thanh toán hợp đồng của dự án từ 10-15 năm, thì sau thời điểm này các ngân hàng phải xử lý thế nào? Từ đó, các NHTM trên địa bàn TP đồng loạt kiến nghị để đảm bảo tiến độ giải ngân cho người đi vay mua nhà, các cơ quan chức năng nên quy định kết thúc thời điểm giải ngân theo tiến độ dự án, chứ không ấn mốc thời hạn cụ thể như hiện nay. Thứ ba, để giảm áp lực trả nợ vay cho người mua nhà như theo tính toán ở trên, các NHTM cũng kiến nghị kéo dài thời hạn cho vay lên 20-25 năm đối với các trường hợp vay để mua nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có điều kiện trả nợ, vì thời gian vay dài thì số tiền phải trả hàng tháng ít lại. Riêng vay để mua nhà ở thương mại thì thời gian vay có thể áp dụng thời gian theo quy định hiện nay là 10-15 năm.
Ngoài khó khăn từ Văn bản 395, còn lý do nào khác dẫn đến việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng?
Một trong những khó khăn hiện nay dẫn đến tiến độ giải ngân chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn còn ít, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc xác nhận thực trạng nhà ở của chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn…
Theo ông, nhằm giải ngân tốt gói 30.000 tỷ đồng, các chính sách phải thay đổi như thế nào?
Thời gian qua, NHNN chi nhánh TPHCM đã khảo sát các NHTM và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP được thực hiện cho vay gói hỗ trợ về nhà ở theo NQ 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong 19 NHTM được tham gia chương trình thì trên địa bàn TP chỉ có 3 NHTM Nhà nước là BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã triển khai cho vay, các ngân hàng còn lại chưa triển khai hoặc chỉ mới cho vay 1-2 hồ sơ. Nguyên nhân các ngân hàng chưa triển khai hoặc triển khai chậm gói cho vay này, do còn quá nhiều vướng mắc trong quy định cũng như thủ tục cho vay, đặc biệt là sau khi có Văn bản 395 của Bộ Xây dựng. Các NHTM cũng đã có văn bản gửi NHNN và Bộ Xây dựng nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trên nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan trả lời để các ngân hàng thực hiện. NHNN cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Chính vì thế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói này, Bộ Xây dựng nên có hướng dẫn sớm, đặc biệt đối với quy định thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng tại Công văn 395.
Xin cảm ơn ông!
HẠNH NHUNG - LƯƠNG THIỆN (thực hiện)
- Thông tin liên quan:
>> Bộ Xây dựng nên thu hồi văn bản