Nới tỷ lệ cho vay không tài sản đảm bảo
Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chỉ trong tuần cuối tháng 11 vừa qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cho vay thêm khoảng 61.000 tỷ đồng, xấp xỉ mức cấp tín dụng cả tháng 10-2021. Tín dụng tăng nhanh trong những tháng cuối năm nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Đây là tính hiệu cho thấy hoạt động kinh tế, thương mại đang từng bước hồi phục.
Nhằm hướng dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, từ đầu quý 4-2021, các NHTM đã có hàng loạt gói lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng tiếp cận các nguồn vốn rẻ để nhanh chóng giải quyết khó khăn, vượt qua đại dịch. Cụ thể, PVCombank dành gói tín dụng 9.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm cho nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, thời hạn vay từ 3 tháng lên đến 10 năm. Đồng thời, PVCombank đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ và cấp ngay hạn mức lên tới 10 tỷ đồng. Từ nay đến ngày 28-2-2022, Ngân hàng Nam Á cũng giảm lãi suất cho vay xuống còn 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, các NHTM cũng đã nới tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo, hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo là các nguồn thu từ tương lai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. NHTM CP Hàng Hải (MSB) vừa có các sản phẩm tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ không cần tài sản đảm bảo: gói cho vay bổ sung vốn lưu động với hạn mức vay 500 triệu đồng; gói bảo lãnh với hạn mức bảo lãnh ký quỹ đến 6 tỷ đồng. MSB cũng đã thiết lập cổng dịch vụ: vaynhanhsme.msb.com.vn để nhận hồ sơ, nhu cầu vay vốn và đăng ký vay vốn trực tuyến từ doanh nghiệp và phản hồi, liên hệ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ vay trong 24 giờ làm việc.
Tương tự, VPBank đã nâng hạn mức gói cho vay không tài sản đảm bảo lên mức 3 tỷ đồng với thời hạn vay 36 tháng, đồng thời giảm 2% lãi suất cho tất cả các khoản vay áp dụng gói này. VPBank cũng thiết lập cổng dịch vụ trực tuyến bit.ly/vontinchaponline để hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay bổ sung vốn lưu động, mở rộng quy mô, mua sắm tài sản cố định hoặc sửa chữa nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh. NHTM CP Quân đội (MB) cũng đang tài trợ tối đa 100% giá trị hợp đồng và 90% nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, chấp nhận tài sản thế chấp là 100% nguồn thu từ L/C (tín dụng thư). Đối với các doanh nghiệp thủy sản, MB cũng cho vay tối đa 100% giá trị hợp đồng và nhận tài sản thế chấp đa dạng như: hàng tồn kho, quyền đòi nợ, máy móc thiết bị đã hết khấu hao, phương tiện vận tải đường thủy…
Thêm cơ chế để khơi thông dòng vốn
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, với đà tăng từ đầu năm đến nay, cùng với việc nhiều ngân hàng vừa được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 có thể đạt mức 13%. Các chuyên gia cũng dự báo, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ đà phục hồi của nền kinh tế.
Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ bù lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng, mức cấp bù lãi suất 2%-3%/năm. Nếu gói này được duyệt, trong thời gian tới, sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng lãi suất thấp được bơm ra nền kinh tế. Đó cũng là lý do các NHTM đang và sẽ đồng loạt triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ.
Cũng theo TS Cấn Văn lực, ngoài sức tăng thông thường, các gói hỗ trợ lãi suất đang được xây dựng sẽ là lực đẩy đáng kể cho tăng trưởng tín dụng. Cùng với dư địa tín dụng tăng trưởng tự nhiên khoảng 9%-10%, tổng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ít nhất cũng bằng năm 2021 hoặc hơn, ở mức 13%-14%.
Tuy nhiên, liên quan đến gói cấp bù lãi suất nêu trên, các NHTM cho rằng, cần nhất là chính sách, hành lang pháp lý để triển khai khơi thông dòng vốn, chứ không chỉ là gói hỗ trợ bao nhiêu tiền. Bởi lẽ, hàng loạt doanh nghiệp đã rơi vào nợ xấu và đang được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN. Thế nhưng, khi thông tư hết hiệu lực vào tháng 6-2022, nếu không có cơ chế đặc biệt, các doanh nghiệp bị nợ xấu sẽ không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu. Lúc đó, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất dù lớn bao nhiêu cũng không có nhiều ý nghĩa vì doanh nghiệp bị nợ xấu đương nhiên không đủ điều kiện vay. Trong khi, do ảnh hưởng dịch bệnh, số doanh nghiệp đang bị nợ xấu không ít.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu