Ngăn nước biển dâng bằng… thiên nhiên

Nhằm bảo vệ đầm lầy Riviera - một trong những vùng đất ngập nước cuối cùng của Pháp, khỏi nước biển dâng, các nhà bảo tồn đã tìm ra giải pháp dỡ bỏ bức tường chắn sóng nhân tạo, để thiên nhiên tự điều chỉnh.
Vùng đầm lầy trở nên xanh tươi khi không bị xâm nhập mặn
Vùng đầm lầy trở nên xanh tươi khi không bị xâm nhập mặn

Chủ cũ của đầm lầy đã xây dựng các con đê bảo vệ, tuy nhiên những con đê này không thực sự hiệu quả, nước biển vẫn xâm nhập vào đất liền tới hơn 30m. Sau thời gian nghiên cứu, các nhà bảo tồn đã tháo dỡ các trụ bê tông chắn sóng nhân tạo một cách nhẹ nhàng để không làm hư hại hàng rào tự nhiên là bãi cỏ Neptune, nằm cách bờ biển vài mét.

Khi các con đê không còn, chỉ mất vài tháng, một cồn cát nhỏ nổi lên và cỏ Neptune - một loại thực vật dưới nước, đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái - đã tạo thành các hàng rào tự nhiên chống xói mòn.

Với diện tích rộng lớn ngăn cách đất liền với biển, đầm lầy muối này giúp điều hòa khí hậu địa phương và cung cấp môi trường sống cho các loài động vật. Hơn 300 loài chim đã được ghi nhận trong khu vực, do cá và côn trùng phát triển mạnh.

Theo giới chuyên gia, việc xâm nhập mặn mà con người lo sợ lâu nay là điều khó tránh khỏi, song hiện nó cũng cho thấy những tín hiệu tích cực với đa dạng sinh học. Những gì đang xảy ra với Vieux-Salins d’Hyeres có thể sẽ trở thành minh chứng để các vùng, khu vực bị nước biển dâng khắp nơi trên thế giới học hỏi kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục