Ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ

Thị trường chế biến nông sản, thực phẩm tại Việt Nam lâu nay được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại lao vào rót vốn đầu tư và cạnh tranh. Hiện nay, với việc hàng loạt FTA bắt đầu có hiệu lực ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

 Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản thực phẩm – Vietnam PFA 2019 diễn ra từ ngày 24 đến 27-7, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.

Đây sẽ là môi trường lý tưởng giúp các doanh nghiệp nội địa và quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ ảnh 1

Là triển lãm lần đầu được tổ chức, nhưng các doanh nghiệp chuyên ngành đánh giá rất cao mục đích, ý nghĩa và giá trị thiết thực của các chương trình trong khuôn khổ Vietnam PFA 2019. Tính đến thời điểm hiện nay, triển lãm đã thu hút được sự tham dự của khoảng gần 100 doanh nghiệp, với khoảng 150 gian hàng trải rộng trên không gian 4.000m2 trưng bày tại nhà A1, SECC. Trong đó, có nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước như Vinamilk, TH Milk, Masan, VEAM, Tín Dân, Song Hiệp Lợi, Arico, VMS, Đại Chính Quang…

Thông tin từ Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, bốn mùa đều có nông sản thu hoạch. Do đó kỹ thuật bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch là hết sức cần thiết. Nhìn chung, công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới, dù vẫn có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại.

Cụ thể, với ngành rau quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm, nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung, với tổng công suất thiết kế chỉ 1 triệu tấn/năm.

Còn với thủy sản, năm 2018, Việt Nam sản xuất khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2017; có 590 cơ sở chế biến thủy sản khai thác đã xuất khẩu đi 100 nước và vùng lãnh thổ.

Về lúa gạo, cả nước hiện có gần 600 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn/năm và có tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt 7 triệu tấn.

Ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ ảnh 2

Thị trường chế biến nông sản, thực phẩm tại Việt Nam lâu nay được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại lao vào rót vốn đầu tư và cạnh tranh. Hiện nay, với việc hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2019 sẽ là năm chuyển động mạnh mẽ của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để Việt Nam tiến gần đến top 10 thế giới. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển.

Trong khuôn khổ Vietnam PFA 2019 cũng sẽ diễn ra các hội thảo chuyên ngành, hoạt động kết nối giao thương, chương trình giới thiệu nông sản, thực phẩm tiêu biểu, trình diễn máy móc, công nghệ và sản phẩm mới...

Trong 4 ngày diễn ra hội chợ, Vietnam PFA 2019 kỳ vọng thu hút 20.000 lượt khách tham quan, mở đầu cho một sự kiện chuyên ngành uy tín và chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực chế biến đóng gói, bảo quản nông sản và thực phẩm tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của ngành nông nghiệp và mang lại giá trị thiết thực cho nền kinh tế. 

Tin cùng chuyên mục