Ngành công nghiệp khí Việt Nam đối mặt nhiều thách thức

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo kế hoạch khai thác và những thách thức khi phát triển các nguồn khí tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2025.
Ngành công nghiệp khí Việt Nam đối mặt nhiều thách thức

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo kế hoạch khai thác và những thách thức khi phát triển các nguồn khí tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2025.

Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chủ trì Hội thảo.

Trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến 2015, định hướng 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 30-3-2011, với mục tiêu sản lượng khí cung cấp đạt 15 tỷ mét khối khí vào năm 2015. PVN đang tích cực triển khai đồng bộ các dự án từ thượng nguồn, trung nguồn tới hạ nguồn tại khu vực Nam Bộ, trong đó phải kể tới các dự án khai thác khí ngoài khơi như Lô B&52, Hải Thạch- Mộc Tinh, Thiên Ưng- Mãng Cầu; dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ômôn, Nam Côn Sơn 2; dự án Nhà máy chế biến khí tại Cà Mau & Phú Mỹ cùng các dự án thu gom khí Hải Sư Đen- Hải Sư Trắng, Tê Giác Trắng…

Hiện nay, cùng với việc phát triển các nguồn khí truyền thống trong nước, PVN đang nhanh chóng triển khai Dự án nhập khẩu khí LNG, nghiên cứu khả năng mua khí thông qua đường ống dẫn khí Trans- Asean từ các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng như lập phương án phát triển các nguồn khí phi truyền thống như khí than. Song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khí khu vực Nam Bộ, thị trường khí miền Bắc và miền Trung cũng đang được PVN xem xét, lên kế hoạch triển khai.

Tổng giám đốc PV Gas Dương Mạnh Sơn phát biểu về những bất cập từ giá khí.

Theo nghiên cứu, đánh giá của các ban chuyên môn PVN như ban Khai thác Dầu khí, Khí và Thương mại Thị trường thì ngành công nghiệp khí Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức từ khai thác, phân phối đến giá khí. Trong đó các mỏ khí của Việt Nam có giá trị khai thác, phân phối thấp (dưới 5USD/m³ khí) đang bắt đầu suy giảm sản lượng, một số mỏ khí chuẩn bị đưa vào khai thác lại xa bờ, có giá phân phối cao lên đến gần 10 USD/m³ khí. Dự đoán đến năm 2018 các mỏ khí có giá thấp sẽ có thể suy giảm đến mức độ ngừng cung cấp khí cho toàn bộ các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.

Bởi vậy muốn thực hiện đúng theo quy hoạch ngành công nghiệp khí của Chính phủ ngay lúc này cần định ra phương hướng xử lý các vấn đề tồn đọng như xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường ống dẫn khí, các nhà máy xử lý khí tại từng vùng. Đặc biệt là phải có một cơ chế về giá khí phân phối đến từng ngành tiêu dùng, từng vùng, từng khách hàng. Phải có sự cân bằng lợi ích giữa các bên từ nhà đầu tư khai thác, phân phối đến đơn vị tiêu dùng sao cho minh bạch, cân bằng và hợp lý.

N. Bình

Tin cùng chuyên mục