* Gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi miễn phí
(SGGP).- Hôm qua 9-5, Bộ Công thương tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt gần 800.000 tỷ đồng, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng ngày càng hợp lý. Năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp ngày càng được nâng cao. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã được xuất khẩu với kim ngạch cao, góp phần cân đối ngoại tệ cho đất nước như: dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, đồ gỗ… Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Bên cạnh đó, thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội nên đã giữ vững được thị trường khá ổn định.
Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành công thương luôn xứng đáng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước nhà. Đến nay, ngành công thương đã trở thành ngành có đóng góp lớn nhất trong GDP và thu ngân sách hàng năm của cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Công nghiệp phát triển ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoảng 15%/năm trong 10 năm qua, nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất, cơ khí…
Trong 5 năm tới, để phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%-8%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 12%/năm, giảm dần nhập siêu và cân bằng xuất nhập vào năm 2020, Thủ tướng cho rằng, ngành công thương cần tiếp tục nỗ lực để hình thành đồng bộ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển; làm tốt công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, lãnh thổ, các chương trình phát triển và các dự án quan trọng của ngành; có các giải pháp đồng bộ và phù hợp để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả các ngành, lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, thương mại nội địa và quản lý tốt việc nhập khẩu… Ngành công thương cần tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, xăng dầu từng bước xóa bù lỗ; tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế điều hành giá xăng dầu và giá điện theo cơ chế thị trường.
Ngành công thương cần tổ chức tốt các hoạt động thương mại nội địa, bình ổn thị trường, giá cả, sớm ban hành và thực hiện các quy định về điều tiết cân đối cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; làm tốt hơn nữa công tác dự báo, thông tin thị trường...
Hôm qua 9-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm tiền gửi - an toàn cho hệ thống tín dụng”.
Thông tin tại đây cho thấy, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam được thành lập vào năm 1999, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia. Nhưng hiện nay, đa phần người dân chưa được tư vấn và hiểu đầy đủ về cơ quan BHTG Việt Nam cũng như bản chất của việc tiền gửi của họ được bảo hiểm. BHTG là tổ chức phi lợi nhuận, không chỉ bảo vệ người gửi tiền mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Người gửi tiền có thể tin tưởng rằng, đứng sau mình là Nhà nước mà đại diện là BHTG. Tất cả các tổ chức nhận tiền gửi của người dân đều phải tham gia BHTG bắt buộc. Tiền gửi của người dân gửi ở các tổ chức nhận tiền gửi đều được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Từ năm 2000 đến nay, khi tổ chức BHTG Việt Nam đi vào hoạt động, tiền gửi được bảo vệ khi ngân hàng gặp sự cố.
Tiền gửi của người dân ở ngân hàng được bảo vệ mà không mất phí bảo hiểm. Hiện BHTG chỉ bảo hiểm cho sổ tiết kiệm bằng tiền đồng, không có chính sách bảo hiểm cho sổ tiết kiệm ngoại tệ và vàng.
NG. QUANG - L. NGUYÊN