Ngành công thương TPHCM đầu tư chiều sâu

Ngành công thương TPHCM trong năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn do tác động bởi hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện tốt biện pháp tái cấu trúc, đầu tư chiều sâu trong sản xuất, kinh doanh… sẽ tạo ra điều kiện, cơ hội để phát triển cao và bền vững. Đó là nhận định chung của lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cũng như các doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong thời gian qua khi trao đổi với Báo SGGP trong năm mới - Canh Dần 2010.
Ngành công thương TPHCM đầu tư chiều sâu

Ngành công thương TPHCM trong năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn do tác động bởi hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện tốt biện pháp tái cấu trúc, đầu tư chiều sâu trong sản xuất, kinh doanh… sẽ tạo ra điều kiện, cơ hội để phát triển cao và bền vững. Đó là nhận định chung của lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cũng như các doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong thời gian qua khi trao đổi với Báo SGGP trong năm mới - Canh Dần 2010.

  • Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai: Không chủ quan

Trong năm qua, ngành Công thương TPHCM phục hồi nhanh sau khủng hoảng. Trong đó, nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và TP nên sản xuất công nghiệp đạt mức sản lượng cao hơn cùng kỳ, giữ vững xu hướng tháng sau, quý sau tăng trưởng cao hơn tháng trước, quý trước. Chính vì vậy, năm 2009 TPHCM được xếp là một trong 6 địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nhất toàn quốc; đạt gần 182.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% quy mô sản xuất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chiếm 27% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Trong năm 2010, cũng như nhận định của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, tình hình tiếp tục khó khăn, do đó chúng ta không thể chủ quan. Riêng tại TPHCM, để ngành công nghiệp, thương mại và xuất khẩu tăng trưởng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, TP cần tích cực cùng doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, mà trước hết phải thực hiện tốt các chương trình kích cầu, giải pháp tháo dỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Về phía doanh nghiệp, không nên chủ quan hay ỷ lại vào các gói kích cần, thay vào đó phải chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng thị trường để tăng trưởng bền vững.

  • Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải (Samco) Nguyễn Tiến Dũng:
    Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2008 - 2009 tác động khá mạnh mẽ đến việc sản xuất, kinh doanh của toàn tổng công ty. Dù vậy, sau khi rà soát lại tình hình toàn đơn vị, ban lãnh đạo Samco nhanh chóng vạch ra kế hoạch phát triển chiều sâu, mở rộng thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu nên đạt được kết quả khá tốt.

Qua năm 2010, tình hình còn nhiều khó khăn thách thức do biến động từ thế giới đến kinh tế trong nước. Dù vậy, kế hoạch năm tới của Samco đặt mục tiêu tăng trưởng 10% và thực hiện trên 20%. Trong đó, Samco tiếp tục thực hiện đầu tư chiều sâu, chú trọng mở rộng lĩnh vực đầu tư, thị trường; đặc biệt xuất khẩu dòng xe chuyên dụng sang các nước trong khu vực và triển khai thực hiện dự án bến xe Suối Tiên mới với quy mô trên 20ha.

Ngoài ra, công ty chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, tăng cường tham gia tích cực hơn nữa công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Để doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch, mục tiêu, phía quản lý Nhà nước, trong đó Chính phủ và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; trong đó lưu ý đến vấn đề tiền tệ, lãi suất; dự trữ tốt ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Riêng TPHCM cần quy hoạch lại mạng lưới giao thông, đưa vào sử dụng dòng xe nhỏ lưu thông trong TP để giảm kẹt xe; chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp gắn với thương hiệu TP.

Sản xuất tủ gỗ tại Công ty Satimex. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Sản xuất tủ gỗ tại Công ty Satimex. Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Giám đốc Nhà máy Satimex Bùi Ngọc Quới: Tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp

Những tháng đầu năm 2010, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là đầu ra sản phẩm tiêu thụ chậm do tiêu dùng sụt giảm. Mặt khác, nhiều mặt hàng như đồ gỗ còn phải chịu sức ép giảm giá vì cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, chi phí sản xuất và lao động tăng cao so với trước cũng gây nhiều khó khăn hơn trong việc sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực thường xuyên, trong đó tập trung đẩy mạnh việc tái cấu trúc tổ chức sản xuất như sắp xếp lại lao động, máy móc. Loại bỏ những máy móc lỗi thời, thay vào đó là đầu tư máy móc công nghệ mới, nhỏ gọn ít chiếm diện tích. Phối hợp chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp nguyên vật liệu, máy móc.

Mặt khác, định hướng ra cách làm cụ thể, đặt ra mục tiêu rõ ràng từng lĩnh vực và công bố rộng rãi cho toàn bộ CB-CNV biết. Từ đó, tùy từng vị trí công việc mà giao cho mỗi CB-CNV tự giác hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm cá nhân. 

LẠC PHONG thực hiện

Tin cùng chuyên mục