
Sau gần 2 tháng thực hiện quy định về việc áp dụng giá điện mới với giờ cao điểm tréo ngoe, nhiều đơn vị sản xuất vẫn tiếp tục than phiền vì chi phí phát sinh và những rắc rối liên quan. Một số chuyên gia đề nghị xem xét lại tính chất của thông tư hướng dẫn có đúng với bản chất quyết định về tăng giá điện.
Ảnh hưởng không đáng kể?
Trước phản ánh của hàng loạt doanh nghiệp (DN) về quy định “giờ vàng” không hợp lý, Cục Điều tiết điện lực đã đi kiểm tra việc áp dụng giá điện giờ cao điểm tại một số DN ở Hà Nội, Tiền Giang và Long An. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại khá bất ngờ: Chi phí giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên… khoảng 0,1%-0,76%, trong đó đơn vị cao nhất chỉ 3,4%, thấp hơn nhiều so với con số 20%-40% mà nhiều DN phản ánh.

Quy định giá điện tăng vào giờ cao điểm có thể gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất. Ảnh: THỦY TIÊN
Về chi phí tiền điện phải trả thêm khi áp dụng giá bán mới của các DN trong tháng 3, cục xác định tăng khoảng 2,26%-22,6%. Đơn cử, tại Công ty cổ phần May 10, trong năm 2008 sản lượng điện tiêu thụ là 4,96 triệu kWh, tương ứng với số tiền phải trả là 4,566 tỷ đồng, chiếm 3,35% doanh thu; nhưng tháng 3-2009, chi phí điện của May 10 tăng thêm 22,6%, trong đó mức tăng do áp dụng cơ chế tính giá điện vào giờ cao điểm chỉ là 0,76%.
Hoặc tại Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, chi phí điện tăng thêm trong tháng 3 là 12,6%, trong đó mức tăng do tính giờ cao điểm vào khoảng 0,14%…
Với kết quả này, các DN cho rằng, mức tăng giá điện bình quân chiếm đến trên 22%, chứ không bình quân 8,92% như tinh thần của Quyết định 21. Riêng cách tính cho rằng giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên khoảng 0,1%-0,76%, theo các DN là không có cơ sở, bởi mỗi công ty có những đặc thù khác nhau, kể cả trong đơn hàng, bố trí lịch sản xuất…
Phó Tổng Giám đốc Công ty Gia Định-Phong Phú Huỳnh Kim Mân cho biết, dù đã áp dụng một số giải pháp để tiết giảm chi phí điện như dời ngày nghỉ luân phiên hàng tuần để sản xuất vào ngày chủ nhật, dời giờ ăn giữa ca của công nhân vào lúc 10 giờ 30 - 11 giờ 30, nhưng khi áp dụng giá điện mới công ty vẫn phải trả thêm bình quân khoảng 24% mỗi tháng. Trong đó, lĩnh vực may mỗi ngày hoạt động 10 giờ, nhuộm 12 giờ nên cũng bị “dính” 3 giờ cao điểm, tương ứng gần 30% tổng số điện năng tiêu thụ. “Cách tính của Cục Điều tiết điện lực là hoàn toàn vô lý, chỉ có thể áp dụng cho những đơn vị sản xuất 3 ca”, ông Huỳnh Kim Mân giải thích.
Rắc rối giờ cao điểm sáng
Liên quan đến thực hiện triển khai tăng giá điện, một số chuyên gia cho rằng, giá điện tăng theo Thông tư 05/2009/TT-BCT của Bộ Công thương vừa qua là trái với Quyết định số 21/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Công thương khẳng định chính sách tăng giá điện là theo hướng ưu tiên cho sản xuất, tỷ lệ tăng giá điện đối với sản xuất thấp hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng giá điện bình quân lên mức 8,92%, trong khi đó Bộ Công thương cho tăng đối với điện sản xuất giá là 6,25%-7% (tùy theo cấp điện áp, giờ cao điểm, giờ bình thường, giờ thấp điểm). Mới nghe qua có vẻ có lý. Tuy nhiên, số giờ cao điểm tăng từ 4 giờ/ngày trước đây lên 5 giờ/ngày và quy định thêm 2 giờ cao điểm sáng (9 giờ 30 – 11 giờ 30) đã làm giá điện tăng thật sự từ 12,6%-33,4%.

Giá điện là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất. Trong ảnh: Cải tạo lưới điện tại TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, kỹ sư Đỗ Phước Tống phân tích: Giả sử doanh nghiệp làm giờ hành chính 7 giờ 30 - 11 giờ 30 và 13 giờ - 17 giờ sử dụng điện với công suất trung bình 100kW (sử dụng điện áp 8,6kV) thì trước đây số tiền điện phải trả là 800kWh/ngày x 860đ/kWh = 688.000 đồng, còn nay phải trả 600kWh x 920đ/kWh + 200kWh x 1.830đ/kWh = 918.000 đồng; tỷ lệ giá tăng giá điện là (918.000–688.000)/688.000 = 0.334 = 33,4%.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các doanh nghiệp có bộ phận làm ca 2 và ca 3 với công suất sử dụng điện là 50kW (khá phổ biến là doanh nghiệp sản xuất ca 2 và ca 3 sử dụng công suất điện bằng 50% so với giờ hành chính)…
Trong khi đó, Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ghi: điều 1: Giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đ/kWh, chưa bao gồm thuế VAT (tăng 8,92% so với giá điện bình quân năm 2008); điều 2: Phê duyệt nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Tỷ lệ tăng giá điện cho sản xuất giữ ở mức thấp hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân; tỷ lệ tăng giá điện sinh hoạt giữ ở mức cao hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân để từng bước xóa bỏ bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt, thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ thu nhập thấp, hộ nghèo đúng đối tượng.
Qua những phân tích này, ông Đỗ Phước Tống kết luận, tỷ lệ tăng giá điện theo Thông tư 05/2009/TT-BCT đối với sản xuất cao hơn mức tăng bình quân 8,92% là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, thông tư này vi phạm quy định ban hành thông tư (là văn bản hướng dẫn thi hành quyết định). Ông Tống cho rằng, nguyên nhân của việc giá điện tăng cao thực chất là do quy định giờ cao điểm buổi sáng không hợp lý.
Các hiệp hội ngành nghề và nhiều doanh nghiệp cho biết đang tiếp tục đề nghị Sở Công thương, UBND TP kiến nghị Bộ Công thương hủy bỏ giờ cao điểm sáng. Các DN cũng cho biết, nếu Bộ Công thương không thay đổi ý kiến, thì sẽ đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra tính chất vi phạm luật của Thông tư 05/2009/TT-BCT của Bộ Công thương.
LẠC PHONG