Ngành du lịch chật vật với giá vé máy bay

Ngành du lịch chưa hết khó khăn thì nỗi lo càng lớn hơn sau khi Bộ GTVT nới trần giá vé máy bay, áp dụng từ ngày 1-3-2024. Điều này đặt ngành du lịch đối mặt với thách thức khi giá vé các đường bay nội địa tăng lên.

Tour nội khó cạnh tranh tour ngoại

Ngày 20-12, thông tin từ các hãng lữ hành, giá tour trọn gói dịp tết này tăng từ 10%-20%. Lý do là giá vé máy bay nội địa chiếm từ 50%-60% cơ cấu giá tour trọn gói, kéo theo tiền tour tăng. Chị Hoàng Thúy Vui (ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, qua tìm hiểu tour du lịch đi các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc 5 ngày 4 đêm vào ngày 20-1-2024 có giá 10,49 triệu đồng/người; hoặc 6 ngày 5 đêm có giá từ 11-15 triệu đồng/người. Trong khi, đi du lịch Thái Lan có giá khuyến mãi trọn gói 5 ngày 4 đêm, nghỉ khách sạn 4 sao chưa tới 5 triệu đồng/người.

chu-de-1013.jpg
Hành khách lên máy bay Vietravel Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

“Tôi đang cân nhắc các tour nước ngoài, đến các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, hoặc bù thêm tiền để đi Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…”, chị Hoàng Thúy Vui chia sẻ. Qua tìm hiểu giá tour từ nhiều đơn vị lữ hành, anh Ngô Minh Toàn (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM) chép miệng: “Tour nội địa giá cao ngất ngưởng, chưa kể mùa cao điểm đông đúc, sợ khó nhận được chất lượng dịch vụ tốt. Gia đình đã chọn đi du lịch Singapore - Malaysia 4 ngày, giá vé 6,7 triệu đồng/người, sẽ khởi hành tuần đầu tiên sau Tết Dương lịch. Tính ra rẻ hơn đi du lịch trong nước”.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho hay, giá tour cao hay thấp đều phụ thuộc vào mức giá của các dịch vụ từ hàng không đến ô tô, tàu thủy, dịch vụ du thuyền, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... “Với hạ tầng giao thông còn thấp khi chưa có tàu cao tốc, thì khách du lịch hầu như phụ thuộc vào đường hàng không. Tuy nhiên, với mức trần vé máy bay, nếu giá tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành của tour, ngành du lịch sẽ khó hơn”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Vietluxtour thông tin, nghịch lý là hiện nay giá tour trong nước tăng đáng kể so với ngày thường ở từng thị trường. Giá tour nội địa dịp tết tăng 5%-15% so với giá thời điểm bình thường, trong khi tour đưa khách đi nước ngoài mùa cao điểm cũng chỉ tăng khoảng 5%. Nghịch lý này có nguyên nhân rất lớn là do vé máy bay đang tăng. “Ngành du lịch trong nước có thể cạnh tranh với nước ngoài nếu duy trì được mức giá ổn định, hoặc mềm hơn. Còn nếu tăng giá đồng loạt từ vé máy bay đến khách sạn, nhà hàng… thì rất khó thu hút khách trong nước cũng như khách nước ngoài”, bà Trần Thị Bảo Thu khuyến nghị.

Xem xét giảm thuế, phí

Dự báo khó khăn thêm cho ngành du lịch trong thời gian tới là khó tránh khỏi, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, nhận định, khi giá vé máy bay tăng, giá tour sẽ tăng theo, ảnh hưởng lớn đến việc tính toán giá tour trọn gói của các hãng lữ hành. Đây là một bài toán khó, bởi tình trạng biến động về giá nhiên liệu, chi phí đầu vào đối với các dịch vụ vận chuyển đã quyết định tất cả. “Chắc chắn việc tăng giá vé máy bay sẽ gây tác động lớn đến các hãng lữ hành, từ đó ảnh hưởng nhiều việc kích cầu du lịch nội địa”, ông Phạm Huy Bình nhấn mạnh.

u5b-1117.jpg
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Từ góc độ hàng không, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, phân tích, ngành hàng không nước ta đang trải qua giai đoạn khó khăn còn hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19. Các hãng hàng không đang đối diện áp lực kinh doanh thua lỗ và cả sức ép bị công ty cho thuê rút máy bay nếu không trả tiền thuê đúng hẹn. Hiện nay, các công ty cho thuê cũng sẵn sàng rút máy bay từ Việt Nam đưa sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Mỹ… Do đó, ở thời điểm kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay, cần có giải pháp căn cơ, làm thế nào để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, cũng như giúp doanh nghiệp hàng không “sống” được.

“Trong đề án tái cơ cấu gửi Chính phủ, Bamboo Airways cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét giảm các loại giá, phí do Nhà nước quy định mà hành khách phải chi trả, hoặc doanh nghiệp phải trả, ít nhất trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2024. Lúc đó, các hãng cũng sẽ giảm áp lực mà người dân cũng được hưởng lợi từ giá vé giảm”, ông Lương Hoài Nam nói.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc nâng trần giá vé nhằm tạo ra dư địa rộng để các hãng hàng không linh hoạt trong từng thời điểm, điều kiện bán vé, nhưng nếu trên thực tế tăng giá vé so với mặt bằng chung, đặc biệt với tour du lịch, thì phải cân nhắc kỹ. Chính phủ cần gắn chính sách giá các hãng hàng không nội địa với ngành du lịch, từ đó có mức giá hợp lý trong cơ cấu tour du lịch. Làm sao vừa tạo thuận lợi cho các hãng hàng không linh hoạt trong giá cả nhưng cũng thúc đẩy du lịch phát triển.

Cắt giảm nhiều đường bay đến Phú Quốc

Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), các tuyến bay nội địa từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang đến Phú Quốc đã dừng vài tháng nay. Trước đó, Bamboo Airways tuyên bố rút khỏi nhiều đường bay nội địa cũng như quốc tế, trong đó có chặng Cần Thơ - Phú Quốc. Ước tính, nửa đầu năm 2023, lượng khách đến Phú Quốc đạt từ 160.000-170.000 khách/ngày; nhưng 3 tháng gần đây, lượng khách giảm mạnh 30%-50%.

Tin cùng chuyên mục