Ngành lâm sản Pháp gặp khó

Hiệp hội Các công ty khai thác gỗ của Pháp (FNB) vừa qua đã lên tiếng báo động: 90% các xưởng cưa đang khan hiếm gỗ sồi, hàng chục ngàn người lao động trong ngành công nghiệp chế biến gỗ trên toàn quốc có khả năng mất việc.

Với 18 triệu ha, Pháp là một trong những quốc gia có diện tích rừng lớn nhất châu Âu, là 1 trong 3 nguồn xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, đặc biệt là xuất khẩu gỗ sồi. Tuy nhiên, bản thân nước Pháp đang có nguy cơ thiếu gỗ để làm nhà hay ván lót sàn nhà, sản xuất đồ nội thất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thị trường Trung Quốc “thiếu” gỗ. Năm 2020, lượng gỗ của Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm 2019.

Từ 2 năm nay, trên thị trường gỗ sồi, Pháp đã qua mặt Mỹ và Nga, vốn là 2 quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 30% thị phần Trung Quốc. Theo các số liệu của Cơ quan Quản lý rừng quốc gia Pháp, hiện tại 1/3 gỗ sồi quốc gia dành để phục vụ thị trường Trung Quốc, trong khi cách đây vài năm, tỷ lệ đó chỉ là 1/10.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Pháp tăng 42% trong 6 tháng đầu năm 2021. Nhưng đây hoàn toàn không phải là một tin vui. FNB báo động, với đà này, Pháp sẽ đánh mất từ 50.000 đến 400.000 việc làm.

Ngành lâm sản Pháp gặp khó ảnh 1 Một công nhân khai thác gỗ ở Pháp

Samuel Deschaumes, người điều hành Công ty CBM trong ngành làm ván lót sàn nhà ở vùng Cher, miền Trung nước Pháp, cho hay: “Nhà cung cấp báo cho chúng tôi biết là giá gỗ tăng và ngay cả khi giá cao hơn trước, chúng tôi cũng không được bảo đảm là được giao hàng đúng thời hạn. Nếu không nhanh chóng tìm ra lối thoát thì chỉ vài tháng nữa, Pháp bị thiếu nguyên liệu để làm ra những tấm ván ép lót sàn nhà”.

Bà Mathilde Joselet, điều hành xưởng cưa của gia đình trong vùng Charente, miền Tây nước Pháp, cho biết vì thiếu nguyên liệu, xưởng chỉ hoạt động 60%-80% so với công suất bình thường.

Khoảng 90% gỗ của Mozambique, 70% gỗ của Nga là để bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Moscow đã thông báo từ ngày 1-1-2022 sẽ cấm xuất khẩu gỗ để bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ của Nga. Trong vài tháng nữa, lượng gỗ trên thị trường quốc tế giảm 20% khi không còn nguồn cung cấp của Nga.

Đại diện của Hiệp hội ngành gỗ tại Pháp, Nicolas Douzain-Didier, lưu ý việc châu Phi từ 10 năm qua đã ngừng xuất khẩu gỗ. Trung Quốc, với nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu hàng chế biến từ gỗ, hiện phụ thuộc khá lớn vào thị trường Mỹ và châu Âu. Áp lực đối với châu Âu, đặc biệt là với Pháp, lại càng lớn.

Đó cũng là lý do FNB kiến nghị lên Chính phủ Pháp phải tăng cường các biện pháp bảo vệ ngành lâm sản - lĩnh vực bảo đảm việc làm cho 440.000 người tại Pháp (tương đương với khối lượng lao động của ngành công nghiệp xe hơi), đem về doanh thu hơn 60 tỷ EUR (3% GDP).

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất gỗ của Pháp, Jacques Ducerf, giải thích: khách hàng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn 20%-30% so với mặt bằng chung và như thế, các hãng của Pháp khó cưỡng lại sức hút từ thị trường này.

Nicolas Talpin, một nhà khai thác rừng trong vùng Savoie, miền Đông nước Pháp, nói về áp lực tài chính đặt ra cho các chủ đồn điền: “Khách hàng Trung Quốc trả giá cao hơn 30%-40%. Họ lại thanh toán ngay khi lấy hàng. Về phía các chủ đồn điền, chúng tôi cần được bảo đảm nguồn thu nhập để trang trải chi phí cho ngân hàng, để có thể tiếp tục khai thác, bảo quản rừng”.

Tương tự, Gilles de Boncourt, Giám đốc tổ hợp quản lý rừng Unisylva, cho biết: “Trong 4 năm trở lại đây, giá gỗ sồi đã tăng lên gấp đôi, nhờ vậy không bị thua lỗ nhiều và có phương tiện để đầu tư trở lại vào các diện tích rừng. Đương nhiên chúng tôi muốn bán gỗ cho các nhà sản xuất của châu Âu hay Pháp, nhưng đôi khi chúng tôi không có sự lựa chọn. Đơn giản là vì vấn đề giá cả mà thôi".

Tin cùng chuyên mục