Ngành y tế nhìn lại để cải cách

Với 1 năm đầy biến động trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước, năm 2014 đang dần khép lại với những “buồn, vui” lẫn lộn. Trong đó, ngành y tế là một trong những ngành “nóng” bởi sát sườn đời sống dân sinh. Một năm nhìn lại, ngành y tế đã nỗ lực tạo được những đột phá mới nhưng cũng còn đó những hạn chế nhất định.
Ngành y tế nhìn lại để cải cách

Với 1 năm đầy biến động trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước, năm 2014 đang dần khép lại với những “buồn, vui” lẫn lộn. Trong đó, ngành y tế là một trong những ngành “nóng” bởi sát sườn đời sống dân sinh. Một năm nhìn lại, ngành y tế đã nỗ lực tạo được những đột phá mới nhưng cũng còn đó những hạn chế nhất định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Quyết liệt làm… là được

Nhẩm lại 1 năm chăm sóc sức khỏe nhân dân, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, PGS-TS Lương Ngọc Khuê phấn khởi: “Đã giảm tải được khá nhiều sau khi có những chỉ thị chấn chỉnh của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Ngay từ đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh, đầu tư thêm và sử dụng 15% số tiền khám bệnh thu được để cải tạo khu vực khám bệnh, lắp đặt hệ thống phát số tự động, trang bị thêm ghế chờ, bàn khám, các máy móc xét nghiệm, tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian làm việc… đã tạo những đột phá quan trọng, giảm rõ rệt thời gian chờ đợi của người bệnh.

Tiếp theo đó có các đoàn giám sát của Bộ Y tế xuống tận cơ sở để kiểm tra các cơ sở y tế địa phương về quy trình khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ, nhất là đối với khám bảo hiểm y tế. Ngay Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng liên tiếp có các công văn yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện và báo cáo công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Nhằm nắm bắt tình trạng cơ sở, trong tháng 7 và 8-2014, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã “vi hành” kiểm tra một số cơ sở y tế trực thuộc như Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM xung quanh công tác giảm tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả điều trị. Ngay cả lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân, trong tháng 8-2014, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trực tiếp kiểm tra một số cơ sở ở TPHCM như Phòng khám Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện thẩm mỹ Á-Âu…

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành y tế vẫn hoàn thành 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là số giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể trạm y tế xã): giao 22,5; ước đạt 23,0. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 15,5%, ước  đạt 15%. Ngoài ra, trong 18 chỉ tiêu Chính phủ giao thì ước  đạt gần 100%. Đồng thời, Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, triển khai các dự án đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA, trong đó tập trung vào các dự án liên quan đến giảm tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, kết quả đã hoàn thành Bệnh viện K giai đoạn 2, Khu điều trị BV Thống Nhất, BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án BV Nhi TƯ, BV Bệnh nhiệt đới TƯ, BV Da liễu TƯ, Bệnh viện Lão khoa TƯ, BV Việt Đức, BV Phụ sản TƯ, Khoa Ung bướu BV Chợ Rẫy, Trung tâm Ung bướu - tim mạch trẻ em BV Bạch Mai… trình Thủ tướng Chính phủ để đầu tư xây dựng mới khoa khám bệnh, điều trị ban ngày của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Và trong tháng 12-2014 vừa qua đã liên tiếp khởi công các dự án Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai (Hà Nội)… Đến nay, tại nhiều bệnh viện, tình trạng quá tải, nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết như tại Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết TƯ (giảm từ 60% - 70% số giường phải nằm ghép nay còn 6% - 7%)…

Còn hạn chế và cần khắc phục

 

* Mặc dù năm 2014 nhiều dịch bệnh phức tạp diễn ra trên thế giới như Mers, Ebola, hạch..., nhưng theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo phòng chống và đến nay ở Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc.

 

Trên đây chỉ điểm qua những nét nổi bật mà ngành y tế đã làm được. Nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận nhiều bất cập vẫn còn tồn tại. Mặc dù viện phí đã tăng nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu người bệnh. Tình trạng quá tải cục bộ tại các tuyến cuối chuyên khoa vẫn còn, nhất là các chuyên khoa ung thư, tim mạch, nhi, phụ sản…

Đặc biệt, năm 2014 cũng là năm ngành y tế vẫn chưa hết “tai tiếng” bởi những vụ tai biến vaccine sởi, tai biến trong phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch làm 3 cháu nhỏ tử vong ở Bệnh viện Quân y 87 hồi tháng 8-2014… Tuy nhiên, qua các tai biến đó, ngành y tế mới nhìn nhận và khắc phục. Đó là chấn chỉnh công tác chích ngừa, triển khai tiêm vét vaccine sởi-rubella cho hơn 12 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi, đạt trên 90% chỉ tiêu đề ra; ban hành quy định mới về việc khám chữa bệnh, phẫu thuật mang tính chất thiện nguyện…

 “Không phải cơ quan quản lý nào cũng quán xuyến hết tất cả được thực tiễn đời sống. Vấn đề là khi thực tiễn đời sống xảy ra, phát sinh và đòi hỏi thì cơ quan quản lý cần có biện pháp điều hành, chấn chỉnh kịp thời”, một chuyên gia y tế hàng đầu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, năm 2014 cũng là năm mà ngành y tế quyết liệt chỉnh đốn thái độ y đức. Nếu như năm 2013 ngành y tế phát động “nói không với phong bì” thì năm 2014 là năm của “đường dây nóng”. Và đường dây nóng mà ngành y tế đưa ra là một kênh giám sát rất có ý nghĩa. Cho đến nay, đã có hơn 1.200 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai đồng bộ sử dụng số điện thoại đường dây nóng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông qua đường dây nóng, sau khi xác minh, kiểm tra, một số cán bộ đã bị kỷ luật nghỉ việc, cách chức 7 cán bộ lãnh đạo khoa, 18 cán bộ chuyển công tác, khiển trách 122 cán bộ, cắt thi đua 100 cán bộ.

“Quan điểm của Bộ Y tế đối với các trường hợp vi phạm là xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che, tuân thủ các quy định pháp luật và thẩm quyền quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhấn mạnh. Điều này được minh chứng khi hồi tháng 11-2014 vừa qua, Bộ Y tế đã đề nghị cách chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài (Bắc Ninh) vì đã có thái độ cư xử không đúng mực, vi phạm quy định của cán bộ công chức, đảng viên.

Tuy rằng vẫn không thể khắc phục một sớm một chiều những tồn tại, hạn chế nhưng với tính chất gần gũi đời sống dân sinh, y tế luôn là ngành được dân quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2015 vẫn là năm mà ngành phải phấn đấu và quyết liệt hơn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngoài cố gắng đạt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, ngành y tế sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế; an toàn thực phẩm, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đấu thầu thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc, phòng chống dịch bệnh, cải cách quy trình khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục