Những ngày không quên
Với tình trạng 2 phổi “đông đặc”, rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” - phản ứng miễn dịch dữ dội, anh C. tưởng như không thể thoát khỏi cửa tử. Nhưng, bằng trí tuệ, y đức và tình người, đội ngũ y bác sĩ Việt Nam quyết không buông bỏ bệnh nhân, đã tận tâm tận lực từng phút từng giây để cứu sống người bệnh.
Những ngày cuối điều trị tại Việt Nam, anh C. được các bác sĩ ân cần chăm sóc, dặn dò. Được các bác sĩ cho xem hình ảnh quá trình vận chuyển, điều trị, anh C. mới biết mình đã nằm viện suốt 3 tháng qua với 2 lần chuyển viện. Đó cũng là lúc anh biết mình là bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam. Các bác sĩ động viên anh không được bỏ cuộc, cho đến bây giờ, anh cũng không biết làm thế nào mình có thể vượt qua giai đoạn khủng khiếp ấy. Chuẩn bị cho ngày xuất viện, trở về nước, anh cho biết sẽ không quên những ngày điều trị tại Việt Nam, không quên ơn bác sĩ Việt Nam và trong chuyến bay đầu tiên sau khi xuất viện, anh sẽ chở toàn bộ các y bác sĩ đã cứu sống anh - như một lời tri ân dành cho những người thầy thuốc đã đưa anh trở về từ cửa tử.
Cảm ơn đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung đã có nhiều quan tâm, nỗ lực quên mình trong việc chăm sóc, điều trị hiệu quả cho 20 công dân Anh mắc Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là bệnh nhân 91, đóng góp vào thành quả chung trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam |
Tình người không biên giới
Sự phục hồi kỳ diệu của bệnh nhân 91 được xem là một biểu tượng cho thành công trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 của Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế càng thêm nể phục. Mọi thông tin về quá trình điều trị, giành giật sự sống cho bệnh nhân 91 đều được truyền thông, mạng xã hội cả trong nước và quốc tế quan tâm, cập nhật, thậm chí có nhiều người Việt sẵn sàng hiến phổi cứu sống bệnh nhân. Dư luận luôn cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với phi công người Anh như vậy là bởi người Việt Nam vốn có truyền thống “thương người như thể thương thân” - một đạo lý từ ngàn đời của dân tộc. Đối với các thầy thuốc, ngoài truyền thống hết sức nhân văn ấy, họ còn mang trong mình sứ mệnh cao cả, đó là cứu người, cho dù đó là ai, đến từ đâu.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, sự hồi phục của bệnh nhân 91 là nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía BV Chợ Rẫy, mà còn từ các chuyên gia trên cả nước. Đặc biệt, phải kể đến nỗ lực duy trì mạng sống của bệnh nhân từ phía BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Sự hồi phục diệu kỳ của anh C. đã gieo vào lòng hàng triệu người Việt niềm tin, niềm tự hào về thành tựu của nền y học nước nhà.
Hôm nay, anh C. sẽ đủ điều kiện xuất viện, ngồi trên chuyến bay thương mại dài 12 giờ trở về Vương quốc Anh. Thoát khỏi cửa tử một cách kỳ diệu giữa dịch Covid-19, được sống, được thở bằng lá phổi của chính mình, câu nói đầu tiên và cũng là câu rất nhiều lần anh C. nhắc lại: “Nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã chết, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được chữa trị ở Việt Nam. Tự tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam”.
Chiều 10-7, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết BV đã có kế hoạch về việc cho bệnh nhân 91 xuất viện. Cụ thể, BV Chợ Rẫy sẽ theo dõi, chăm sóc và chuẩn bị kỹ bệnh nhân như: thực hiện chụp Xquang ngực thẳng, xét nghiệm Covid trước khi bàn giao cho Phòng khám gia đình để chuyển bệnh nhân. Hồ sơ bàn giao cho Phòng khám gia đình gồm: giấy ra viện (có dịch tiếng Anh), tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh và giấy xác nhận xét nghiệm Covid. |