
* Lãi suất huy động cao nhất lên tới 19,2%/năm
Hôm qua 11-6, lãi suất cơ bản đối với VND chính thức được tăng lên 14%/năm, nới rộng hơn hành lang lãi suất cho các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay. Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động VND để cải thiện nguồn vốn của mình, và đỉnh lãi suất ngay trong ngày hôm qua đã đạt đến mức kỷ lục: 19,2%/năm.
Tăng lãi suất mới hút được tiền

Nhân viên ngân hàng SeABank giới thiệu lãi suất tiết kiệm mới 19,20% kỳ hạn 13 tháng cho khách hàng. Ảnh chụp lúc 13g30 ngày 11-6-2008. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Từ mức đỉnh 16,54%/năm trên thị trường ngân hàng trong ngày 10-6, hôm qua 11-6, lãi suất huy động VND của các ngân hàng liên tiếp được đẩy lên.
Theo thống kê sơ bộ, đến cuối buổi chiều qua, đã có khoảng gần 20 ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh lãi suất, một số khác vẫn đang thăm dò phản ứng của thị trường và ngân hàng bạn.
Đỉnh lãi suất cao nhất được thiết lập trong ngày hôm qua thuộc về Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) với 19,2%/năm, kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, SeABank áp dụng lãi suất 18,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 18%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Một số ngân hàng cổ phần khác như Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hay Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã đồng loạt áp dụng chung mức 17,8%/năm cho các kỳ hạn từ 1-12 tháng. Nhưng có trường hợp lãi suất được điều chỉnh nhẹ như ở Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tối đa là 15,84%/năm…
Đồng tình với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến thị trường, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần giải thích: “Một trong những lý do lãi suất cơ bản tăng lên là do tiền không vào ngân hàng. Tiền không vào ngân hàng thì mục tiêu chống lạm phát không thực hiện được. Nên việc tăng lãi suất cơ bản để từ đó tăng lãi suất huy động là việc cần thiết phải làm”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trong bối cảnh lạm phát trong tháng 5-2008 tăng mạnh trở lại, việc tăng lãi suất cơ bản là bước đi hợp lý. Tuy nhiên, tăng lãi suất đến mức nào lại là điều các ngân hàng cần tính toán kỹ phù hợp với “sức khỏe” của mình. Về lý thuyết, với lãi suất cơ bản 14%/năm, ngân hàng chỉ được cho vay với lãi suất tối đa không quá 21%/năm (150% lãi suất cơ bản).
Điểm đặc biệt là lần này Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại “không được thu thêm bất cứ loại phí nào liên quan đến hoạt động cho vay”, nên các ngân hàng sẽ rất khó để “lách” lãi suất đầu ra. Như vậy, nếu ngân hàng nào huy động vốn với lãi suất 18%/năm, cho vay lãi suất 21%/năm thì chỉ đủ để hòa vốn. Nếu huy động với lãi suất cao hơn, ngân hàng sẽ cầm chắc lỗ.
Lãi suất cho vay sẽ tăng
Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, nhưng trước mắt sẽ chỉ tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. “Căn cứ vào lãi suất huy động, lượng vốn thu hút được, nhu cầu của khách hàng, chúng tôi mới có thể xác định được lãi suất cho vay, tất nhiên sẽ không quá 21%/năm” - giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nói.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng VPBank cho biết quan điểm ngân hàng này là chỉ tăng mạnh lãi suất cho vay (vì không còn được áp dụng phí), còn lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ vì mức trên 16%/năm hiện nay đã là cao.
Ông Hà Ngọc Lâm, Giám đốc một công ty kinh doanh XNK ở Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất nhưng bãi bỏ các loại phí ngân hàng sẽ giảm được áp lực phần nào cho doanh nghiệp. “Trước đây, dù lãi suất vay là 18%/năm, nhưng chúng tôi vẫn phải trả cho ngân hàng với lãi suất thực lên đến 22%-23%/năm vì họ cộng thêm nhiều loại phí. Nay lãi suất cho vay được áp dụng tối đa lên đến 21%, nhưng không kèm phí thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được 1% chi phí vốn, dù ít nhưng vẫn còn hơn. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là có thể ngân hàng không thu phí, nhưng họ sẽ tìm cách khác để “lách”, bởi họ phải huy động vốn với lãi suất quá cao” - ông Lâm nói.
Trên thực tế, với lãi suất vay vốn ngân hàng lên đến trên 20%/năm, khó có doanh nghiệp nào có thể đạt được lợi nhuận nếu phải vay vốn.
Dự báo, trong một vài ngày tới, diễn biến lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục còn sôi động, bởi các ngân hàng sẽ tiếp tục dò xét động thái của nhau để đưa ra mức lãi suất phù hợp với tình hình của mình.
Một số chuyên gia cho rằng, trong đợt điều chỉnh lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao diễn biến, nhất là đối với lãi suất cho vay, để bảo đảm việc tăng lãi suất không gián tiếp gây tác động xấu đến nền kinh tế.
NGÔ NGUYÊN
Tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD “Cò” xuất hiện? Do lãi suất giữa các ngân hàng không đều nhau nên xuất hiện tình trạng khách hàng đi thăm dò. Theo phân tích của khách hàng, khi “trần” lãi suất chốt ở mức 18% thì các ngân hàng đã huy động tiền gửi lên đến 16,5% (chênh nhau 1,5%), nay “trần” được nâng lên 21%, thì mức huy động chắc chắn sẽ còn cao hơn. Vì vậy, hầu hết khách hàng đang chờ các ngân hàng tăng theo lãi suất mới xong mới quyết định rút và chuyển tiền đến ngân hàng có lãi suất cao hơn. Thế nhưng, theo phản ánh của một số khách hàng, khi họ đến ngân hàng xem mức lãi suất mới thì có một số người tự xưng là nhân viên của hệ thống ngân hàng khác đến mời chào với lời hứa sẽ được gửi với mức lãi suất hấp dẫn hơn, chỉ dành cho khách hàng thân thiết nếu đến chỗ họ. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, cán bộ của ngân hàng được đề cập đến quả quyết rằng không có chuyện đó, mà những người mời đó có thể là… “cò”! H.Ni |