Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Nhân dịp tết cổ truyền dân tộc, từ ngày 10 đến 15-2 (tức từ mùng 3 đến mùng 8 tết), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.

* Hà Nội khai mạc Hội chữ Xuân Bính Thân 2016

(SGGP).- Nhân dịp tết cổ truyền dân tộc, từ ngày 10 đến 15-2 (tức từ mùng 3 đến mùng 8 tết), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.

Năm nay, ngày hội tái hiện những lễ hội đặc sắc chào đón năm mới, mong muốn sự sinh sôi, nảy nở, phát triển, kết đoàn, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân mới để chào đón nhân dân, du khách đến với “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày hội sẽ có sự tham gia của đồng bào các dân tộc Thái (tỉnh Sơn La), Tày (tỉnh Thái Nguyên), Giáy (tỉnh Hà Giang), những người có uy tín trong cộng đồng (nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) với nhiều nội dung phong phú…

Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực truyền thống, thể thao dân tộc được tổ chức như: múa xòe, cồng chiêng, nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, giao lưu dân ca, dân vũ với khách du lịch, sẽ tạo không khí tưng bừng đầu xuân. Đặc biệt, hội đấu vật đầu xuân do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 5 đội vật dân tộc của các đơn vị: Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hiệp hội Vật dân tộc Kinh Bắc sẽ diễn ra lúc 14 giờ 30 - 16 giờ ngày 13-2 tại quảng trường Khu các làng dân tộc.

° Ngày 2-2, Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” đã khai mạc tại khuôn viên hồ Văn thuộc Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với hai hoạt động chính: Triển lãm thư pháp và viết thư pháp. Trong đó, triển lãm thư pháp giới thiệu tới công chúng gần 100 tác phẩm của thành viên các câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội và các tác giả tự do. Các bức thư pháp được thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau, ghi lại những danh ngôn, giáo huấn, thơ văn trong dân gian và của các bậc tiền nhân về chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là tác phẩm “Thương cha” của Trần Tám, “Sinh ngã cù lao” của An Thái, “Nguồn” của Nguyễn Duy Đức… có nét viết “rồng bay”, bố cục đẹp.

Hoạt động viết thư pháp có sự tham gia của gần 100 nhà thư pháp, trong đó có đại lão thư pháp Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Minh Châu… Ban tổ chức đã dựng các gian hàng xung quanh hồ Văn để các nhà thư pháp viết chữ và cho chữ. Theo nhà thư pháp Nguyễn Minh Châu thuộc Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam, Hội chữ Xuân ngày càng đi vào chất lượng, ban tổ chức đã tiến hành khảo hạch chặt chẽ để chọn ra các ông đồ viết tốt tham gia Hội chữ.

Hội chữ Xuân Bính Thân diễn ra đến hết ngày 15-2.

MAI AN - NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục