Hỏi: Ngày mồng một Tết Đinh Hợi năm nay theo lịch Việt Nam, nhằm ngày 17-2-2007, trong khi lịch Trung Hoa (và người Việt ở nước ngoài) thì năm mới lại bắt đầu vào ngày 18-2-2007. Xin hỏi tại sao có sự chênh lệch như vậy?
Nguyenvanthom@gmail.com
KHÁNH TƯỜNG: Về nguyên tắc, cách tính lịch của ta và của Trung Quốc không khác nhau. Âm lịch (đúng ra phải gọi là Âm Dương lịch) dựa vào chuyển động của mặt trăng (âm) chung quanh quả đất để tính tháng và chuyển động của quả đất chung quanh mặt trời (dương) để tính năm.
Cách tính tháng của Âm Dương lịch dựa vào điểm sóc là thời điểm quả đất, mặt trăng và mặt trời, theo thứ tự, ở trên một đường thẳng. Ngày xảy ra điểm sóc được tính là ngày mồng một Âm lịch. Múi giờ của Việt Nam và múi giờ của Bắc Kinh (Trung Quốc) chênh lệch nhau một giờ. 8 giờ sáng ở Hà Nội tương ứng với 9 giờ sáng ở Bắc Kinh. Nếu điểm sóc rơi vào thời điểm gần nửa đêm (chẳng hạn lúc 23 giờ 30) thì ngày mồng một tháng đó ở Việt Nam sớm hơn ở Trung Quốc một ngày (lúc đó là 0 giờ 30 ngày hôm sau).
Chính vì lẽ đó, ngày mồng một Tết Đinh Hợi năm nay nhằm ngày thứ bảy, 17-2-2007, còn theo lịch Trung Quốc thì rơi vào ngày chủ nhật, 18-2-2007. Trường hợp này đã xảy ra một lần vào năm Mậu Thân (1968).
Có trường hợp lễ Tết Nguyên đán, do tính năm nhuận (13 tháng) của lịch Trung Hoa lại tương ứng vào năm thường (12 tháng) của lịch ta, ngày mồng một Tết chênh nhau đến một tháng. Tuy hiếm nhưng cũng đã xảy ra vào năm Giáp Tý (1984).