Ngày Quốc tế Lao động 1-5: Công nhân nhiều nước yêu cầu tăng lương

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, người dân ở nhiều nước đã đồng loạt biểu tình yêu cầu cải thiện chế độ lao động và tăng lương.

Tại Bangladesh, 100.000 công nhân ngành dệt may đã biểu tình trong bạo lực khi họ đồng loạt ném đá vào các xưởng may và phong tỏa đường phố tại thủ đô Dhaka để đòi tăng mức lương tối thiểu cho 2,5 triệu công nhân ngành này. Hiện mức lương trung bình của người lao động trong ngành dệt may tại Bangladesh là 25USD/tháng. Ở Bangladesh, ngành dệt may thu hút 40% nhân lực, chủ yếu là phụ nữ tại 4.500 xưởng may.

Hàng ngàn người lao động tại Campuchia, Indonesia, Hy Lạp... cũng đã biểu tình đòi cải thiện điều kiện làm việc và an sinh xã hội.

Trong khi đó, Tổng thống Daniel Ortega của Nicaragua thông báo sẽ tăng thêm 25 USD/người vào khoản lương hàng tháng cho 100.000 nhân viên địa phương, binh lính và cảnh sát. Thông báo trên được đưa ra trong buổi lễ mừng ngày Quốc tế Lao động vào đêm 30-4 của nước này tại thủ đô Managua. 

Theo hãng tin Bloomberg, Viện Thống kê quốc gia của Tây Ban Nha ngày 30-4 công bố tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên đến 20,1% (hơn 4,6 triệu người) trong quý 1 năm nay, so với mức 18,8% của quý 4/2009. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Tây Ban Nha trong một thập niên trở lại và với tỷ lệ này, Tây Ban Nha trở thành quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của Eurozone. Tỷ lệ này cũng gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp trung bình của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, tại cuộc tiếp xúc với báo chí tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 30-4 vừa qua, Chủ tịch WB Robert Zoellick đã bày tỏ lo ngại nhiều nước trên thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nợ giống như cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp hiện đang phải đối mặt. Hiện các chủ nợ ở châu Âu bắt đầu thẩm định lại nguy cơ vỡ nợ của các nước vay nợ.

H.NHI  

Tin cùng chuyên mục