Ngày tết, gặp người trồng hoa mai tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi

Những ngày tết đến, xuân về, cùng với hàng ngàn nhà vườn hoa mai đua nở trên cả nước, nhà vườn hoa mai của ông Phan Bình (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng nở rộ sắc xuân. Đây được xem là nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của tỉnh.

Vườn hoa mai của nhà ông Phan Bình là nhà vườn lớn của tỉnh Quảng Ngãi và được Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của cả nước năm 2020. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng các cuộc thi ở miền Trung, Tây Nguyên về cây mai.

Ông Phan Bình trong vườn hoa mai nở vào mỗi độ tết đến, xuân về

Ông Phan Bình trong vườn hoa mai nở vào mỗi độ tết đến, xuân về

Mai vàng đang độ rực rỡ trong vườn ông Bình với hơn 300 cây gồm nhiều loại như mai trắng, mai xanh, mai đọt đỏ, mai đọt xanh… có tuổi từ 10-70 năm tuổi. Mỗi cây mai mang dáng vẻ khác nhau như thế tiều phu quải tử (đốn củi cõng con), thế trực quân tử, thế phụ tử, thế mai nữ, thế long, thế phụ tử giao chi (cha con ôm nhau)…đều toát lên vẻ đẹp mùa xuân.

Ông Bình có niềm đam mê và yêu thích hoa mai từ khi còn nhỏ. Theo thời gian, số lượng cây mai cũng ngày càng nhiều. Mỗi cây mai đều có những câu chuyện riêng. Trong vườn của ông, có một cây mai khoảng 50 tuổi.

Ông kể: “Sau năm 1975, người dân khai hoang sản xuất để trồng khoai lang, khoai mì khu vực gần chùa Thiên Ấn, TP Quảng Ngãi. Người ta đào thấy cây mai và đem về trồng, sau này tôi hỏi mua lại, đem về trồng tại nhà mình. Cây mai có sức sống tốt, đến nay luôn ra hoa rực rỡ khi tết đến, xuân về”.

Góc vườn trong nhà ông Bình được bố trí đẹp rực rỡ với hàng trăm chậu hoa mai. Ảnh: NVCC

Góc vườn trong nhà ông Bình được bố trí đẹp rực rỡ với hàng trăm chậu hoa mai. Ảnh: NVCC

Nhà vườn của ông Bình là nhà vườn tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

Nhà vườn của ông Bình là nhà vườn tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

Trong suốt cả quãng đời, ông đã nghiên cứu về cây mai, nguồn gốc, đặc điểm sinh trưởng. Hoa mai vàng nở rộ những ngày đầu xuân, trở thành biểu tượng đặc trưng Tết cổ truyền của người Việt Nam. Ông Bình kể rằng, hoa mai có mặt khắp đất nước Việt Nam. Mai có đến chừng 200 loài nhưng đại diện cho họ nhà mai phải là mai vàng.

Ở nước ta từ xa xưa, mai vàng gọi là hoàng mai, còn gọi huỳnh mai, mai hương, hồng diệp mai… Từ khi khai khẩn đất phương Nam, ông cha ta đã tìm thấy loại cây có 5 cánh hoa vàng nở vào dịp Tết Nguyên đán, nên đem về trưng bày. Ngày nay, hoa mai được xem là loài hoa đặc trưng mỗi độ xuân về ở cả ba miền.

Một trong những loại mai đang nở rộ trong vườn nhà ông

Một trong những loại mai đang nở rộ trong vườn nhà ông

Nếu như miền Bắc có mai Yên Tử, thì ở miền Trung và miền Nam, hoa mai phổ biến hơn cả, đặc biệt là từ Bắc Trung bộ đến tận mũi Cà Mau. Trong các loại mai, mai hương (mai vàng) là loại mai đặc trưng đang được ưa chuộng. Mai có đọt màu xanh, lá to, hoa vàng 5, 6, 7, 8 cánh, đặc biệt mùi hương rất thơm, thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt miền Trung. Ở miền Trung có những loại mai hương như cây mai Huế, mai Quảng Nam và mai Tình ở Quảng Ngãi.

Mai Huế có lá dày, màu xanh đậm còn gọi là mai ngự danh như một mặc định cho loài mai 5 cánh với sắc vàng rực rỡ, được xem là đặc sản của vùng sông Hương, núi Ngự. Ông nói: “Ở Huế, người ta phát động trồng mai, nhà nhà trồng mai, ngay dọc đại nội Huế cũng trồng mai rất đẹp, gọi mai Huế, hoàng mai”.

Quảng Nam có giống mai xanh lá tầm trung, dày màu xanh đậm. Đặc điểm của mai là 1 búp hoa có đến 10 nụ bông, nếu được chăm sóc tốt lên đến 15,16 nụ bông, tạo thành một chùm hoa màu vàng đậm rất ấn tượng.

Quảng Ngãi cũng đa dạng mai hương, được ưa chuộng nhất là mai Tình có gốc ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Loài mai này không lẫn vào đâu được, bởi lá tương đối to, dày thân, cành dẻo dễ uốn tạo hình, sắc hoa vàng sáng, cuốn hoa dài hơn bất kỳ loại hoa mai nào, hoa nở thành chùm, mỗi búp có 5-7 nụ.

Mỗi cây mai đều được ông Bình tạo tác uốn sửa trong nhiều năm

Mỗi cây mai đều được ông Bình tạo tác uốn sửa trong nhiều năm

Qua quá trình tham khảo hoa mai ở các vùng miền, ông nhận ra rằng so với cây mai Bình Định, miền Tây thì cây mai Quảng Ngãi, đoạn đèo Bình Đê (thị xã Đức Phổ) trở vào Nam phát triển tốt hơn. Còn từ Quảng Ngãi trở ra như Huế, Quảng Nam… thì chuộng mai đọt xanh, chống chịu khí hậu, dù nhiệt độ dưới 20 độ thì cây mai vẫn nở bình thường. Cây mai nở 5-7 cánh, điểm thêm trong cây mai 6 cánh, 7 cánh, người ta cho đó là “đại cát đại lợi”.

Ông nói: “Cây mai ở Quảng Ngãi có đặc trưng đặc biệt, cây mai rất khẳng khiu nhưng cũng rất chắc chắn, cây già, chịu đựng nắng gió tốt. Nếu người chuyên nghiệp, họ biết ngay đó là mai Quảng Ngãi, có mùi thơm đặc trưng”.

Ông chia sẻ: “Khác với một số loại cây, cành mai trảy lá trước thì nở trước, trảy lá sau thì nở sau trên cùng một cây. Lợi dụng đặc điểm này, người chơi trảy lá nhiều thời điểm để kéo dài thời gian nở hoa, nhất là khi xử lý cách này để “an toàn” nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán”.

Mỗi cây hoa mai ở các vùng miền có thời điểm trảy lá và cách chăm sóc hoa mai sau tết cũng khác nhau, đều dựa vào thời tiết và chu trình phát triển cây mai để tạo tác

Mỗi cây hoa mai ở các vùng miền có thời điểm trảy lá và cách chăm sóc hoa mai sau tết cũng khác nhau, đều dựa vào thời tiết và chu trình phát triển cây mai để tạo tác

Mỗi cây mai ở các vùng miền cũng có thời điểm trảy lá, nở hoa không giống nhau. Miền Nam là xứ sở hoa mai dịp tết, nắng ấm rất thích hợp nở hoa nên thường có thời gian trảy lá trước 15 ngày. Ở Nam Trung bộ, thời gian trảy lá trước tầm 20-25 ngày, Trung Trung bộ 25-40 ngày, Bắc Trung Bộ 35-50 ngày và miền Bắc thường là 50-60 ngày. Nhưng khi gặp lạnh, nhiệt độ dưới 200C, hoa mai rất khó nở. Và khi cây mai miền Nam mang ra miền Bắc nếu đã nở nụ xanh thì chắc chắn nở hoa, dù bất kể thời tiết.

Đã là mai, mai nào cũng đẹp. Hoa mai ngày tết là nét văn hóa độc đáo của người Việt, mang ý nghĩa về một khát vọng phát triển, an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn. Ngày tết, trưng bày hoa mai trong gia đình còn là sự thiêng liêng mong đón niềm tin, hy vọng về một năm mới, tương lai tươi đẹp.

Tin cùng chuyên mục