
Ngày 9-2, đúng Tết Nguyên tiêu, làng thơ Việt Nam lại tưng bừng mở hội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Một lần nữa, người yêu thơ lại cùng tụ hội để sẻ chia và khám phá sức sống mãnh liệt của thơ.
Có chủ đề, sân thơ thêm cuốn hút

Nhiều hình thức thể hiện độc đáo của sân thơ trẻ.
Chủ đề chính của Ngày Thơ Việt Nam năm nay là phát huy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người; hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 50 năm đường mòn Trường Sơn (1959-2009) - con đường huyền thoại góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc - đã làm cho ngày hội của thơ càng trở nên ý nghĩa.
Tại đây, bạn thơ không chỉ cùng nhau giao lưu gặp gỡ đầu xuân để cùng luận bàn về một ý thơ mới, một tác phẩm mới mà còn được sống trong không gian ngập tràn cảm xúc của thơ.
Trên sân khấu chính, sau màn rước kiệu thơ là phần giao lưu tác phẩm mới giữa các nhà thơ với khán giả, biểu diễn các tiết mục múa đèn, múa hoa sen, hát các ca khúc về Trường Sơn... hào hùng mà lay động tâm hồn.
Tại sân Thái Miếu, múa thơ, đọc thơ, ngâm thơ, thi câu đối... được tổ chức rôm rả, song ấn tượng hơn cả là 20 cây thơ của những nhà thơ mặc áo lính. Những vần thơ bất hủ về Trường Sơn, về 2 cuộc kháng chiến của dân tộc của Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lâm Thị Mỹ Dạ... đã khiến những người tham dự ngày thơ không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về một thời hoa lửa, kiên cường anh dũng.
Trong số 20 cây thơ được dựng trong ngày hội, người còn, người mất, nhưng những vần thơ đầy nhựa sống ấy vẫn tiếp tục đâm chồi nẩy lộc trường tồn với thời gian.
Sân thơ trẻ mang sức sống của sự cộng hưởng
Giản dị, không rườm rà nhưng sân thơ trẻ năm nay vốn là điểm nhấn của ngày thơ lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả người yêu thơ già và trẻ. Nếu trước kia, sân thơ đông đúc trong không khí sôi nổi tay bắt mặt mừng thì lần này, khán giả tập trung hơn.
Có những ý kiến cho rằng sân thơ trẻ năm nay “đằm” và hiền song người yêu thơ vẫn cảm nhận được ở đây dòng chảy của sức trẻ đầy nhiệt huyết với những cái tên rất mới như Huyền Minh, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Anh Vũ...
Lần đầu được đứng trên sân khấu thơ trẻ, cây bút Nguyễn Quang Hưng sau màn trình diễn vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp như thí sinh trả bài. Vận bộ trang phục”tân cổ giao duyên” áo “tông sẫm” màu đất cắt theo kiểu bà ba đi kèm với quần jean, Quang Hưng tâm sự, để có được màn trình diễn thơ ấn tượng đem đến trong ngày hội, các bạn đã phải cùng nhau xây dựng ý tưởng và tập luyện trước đó nhiều ngày.
Ý tưởng về sự cộng hưởng và làm nổi bật từng giọng thơ thông qua những tiết mục đọc tập thể, mang hơi hướng trình diễn đã chiếm được thiện cảm của khán giả. PGS-TS Ngô Văn Giá người “chở đò” của bao thế hệ nhà thơ trẻ đã mỉm cười gật đầu khi thưởng thức màn diễn xướng của lớp trẻ trên sân khấu thơ.
Năm nay, có khoảng 50 nhà xuất bản tham gia trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7 đem tới những xuất bản phẩm về thơ mới nhất. Song, dường như người yêu thơ vẫn chờ đợi được tặng vì thế thơ trên quầy mới chỉ vơi đi ít nhiều.
Mai An