
Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá trên thị trường để sản phẩm được người dân chú ý và tăng số lượng tiêu thụ trong dịp tết, đó cũng là thời điểm nghề PG (Promotion Girl) và PB (Promotion Boy) - thuật ngữ chỉ nữ hay nam làm nghề tiếp thị, người mẫu quảng cáo, lễ tân - vào mùa. Nghề này còn được gọi vui là “nghề bán dáng”.

Nghề PG, FB đang thu hút giới trẻ
Thu hút giới trẻ
Nói đến PG, PB nhiều người nghĩ rằng đó là những chàng trai, cô gái có dáng chuẩn, gương mặt khả ái, được mặc đẹp và làm việc ở những nơi sang trọng như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... Đó là những PG, PB cao cấp của các công ty chuyên tổ chức sự kiện hoặc công ty người mẫu và hầu như chỉ tham gia event (sự kiện) với thù lao khoảng trên 600.000 đồng/ca 4 giờ. Còn PG, PB làm activision (quảng cáo thương hiệu) thì phù hợp hơn với sinh viên (SV) bởi công việc chủ yếu hoạt động trên đường phố, trước cổng trường học, trong các siêu thị hoặc cửa hàng bách hóa…
Tranh thủ lúc cả đoàn đạp xe nghỉ giải lao, chạy vội vào tiệm tạp hóa mua lọ kem chống nắng thoa lên hai cánh tay đã đỏ ửng bỏng rát, Lương Như Thảo (SV ĐH Văn Lang) cho biết, đây là lần đầu em làm PG chạy roadshow (quảng cáo trên đường phố bằng xe máy hoặc xe đạp) nên chưa quen với việc đạp xe dưới trưa nắng. Thảo chia sẻ: “Công việc này không cho phép tụi em đeo khẩu trang, mặc đồ dài nên nhiều bạn bị phỏng da. Dù sáng em đã bôi kem chống nắng nhưng đạp xe một hồi mồ hôi ra là phải thoa thêm. Bôi cho an tâm thôi chứ chỉ làm chừng vài ngày là da đứa nào cũng thành rám nắng hết”. Có lẽ vì môi trường nắng và bụi nên dù thù lao của roadshow khá cao, từ 80.000 - 110.000 đồng/giờ nhưng hầu hết chỉ những PG, PB mới vào nghề nhận làm.
Trong khi đó, dù chỉ có ngoại hình khá nhưng nhờ có giọng nói ngọt ngào truyền cảm, Phạm Phương Linh (SV năm cuối ĐH KHXH-NV TPHCM) rất “đắt show”, nhất là đứng điểm ở sảnh của các siêu thị. Với kinh nghiệm 3 năm làm PG, Linh trở thành cái tên quen thuộc trong giới PG, PB sinh viên ở TPHCM, trung bình mỗi tháng Linh thu nhập trên 7 triệu đồng, tháng cuối năm có khi lên đến 14 triệu đồng. Theo Linh, với PG, PB bình thường thì chỉ cần cười sao cho thân thiện, mời khách dùng thử sản phẩm khéo léo, còn người kiêm luôn MC quảng cáo sản phẩm như Linh thì thêm nhiều áp lực như vừa phải học thuộc lời giới thiệu sản phẩm, vừa phải nói truyền cảm và giữ để giọng không bị khan.
Dương Tuấn Anh, quản lý một nhóm PG, PB tại TPHCM cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán anh nhận được 7 chương trình với số ngày làm việc từ 2-15 ngày/show, đủ để phân bổ công việc cho 42 người trong nhóm. “Dịp này hầu hết các nhãn hàng từ bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, nước uống đến các mặt hàng điện tử đều có nhu cầu quảng cáo nên công việc cho nhóm sinh viên làm PG, PB luôn dồi dào, chỉ sợ các bạn không đủ sức chạy show”, Tuấn Anh cho biết. Theo Tuấn Anh, với những PG, PB cao cấp, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng thì PG, PB sinh viên trung bình cũng 5-7 triệu đồng/tháng. Dịp tết bạn nào siêng thu nhập được hơn 10 triệu đồng là bình thường.
Không chỉ là việc làm thêm
Phạm Văn Tuấn (24 tuổi) thường được các bạn trong giới PG, PB gọi là Tuấn Panda. Trước đây, khi đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Công thương TPHCM, Tuấn bắt đầu làm PB, đứng lễ tân, khánh tiết… tại nhiều sự kiện, nhà hàng. Nhận thấy công việc phù hợp với sở thích, đam mê và sau này có thể phát triển được trong khi chuyên ngành điện tử theo học vốn không làm Tuấn thích thú nên Tuấn quyết định nghỉ ngang.
Sau 2 năm nỗ lực, Tuấn đã có trong tay nhiều nhóm PG, PB và đang hợp tác cùng một người bạn để thành lập công ty chuyên về sự kiện, truyền thông. “Hồi đầu đi làm thêm, lương em chỉ có vài triệu đồng một tháng, đến nay mỗi tháng em thu nhập khoảng 16-17 triệu đồng. Lương cao nhưng điều quan trọng đó là công việc mà em thấy phù hợp với bản thân và có thể phát triển trong tương lai nên luôn cố gắng làm. Từ từ theo việc, em lên “sup” (quản lý từ 3-7 PG, PB) rồi lên “leader” (quản lý nhiều nhóm) và bây giờ em cũng chuyên nhận chương trình rồi phân bổ cho các bạn PG, PB đi làm sự kiện tại TPHCM và nhiều tỉnh lân cận”, Tuấn nói.
Cũng như Tuấn, Phạm Phúc Khánh (SV năm 3, ĐH Nông Lâm) cũng đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt khi đang là SV. Cao ráo, đẹp trai, Khánh được nhận việc tại khá nhiều công ty. Dịp tết này, Khánh sắp xếp lịch để nhận tới 6-7 chỗ làm. Theo Khánh, công việc này 1 ngày chỉ làm vài tiếng, không ảnh hưởng lắm tới việc học. Hồ Thị Kim Thương (SV năm 4 trường ĐH KHXH-NV TPHCM) cũng đi làm PG hơn một năm qua. Ngoài công việc PG, Thương còn kiêm nhiệm thêm việc giám sát PG, chịu trách nhiệm thông báo các quy định mới từ công ty phổ biến cho các PG, PB, quản lý quà tặng, giám sát thời gian và tác phong làm việc của PG. Thương cũng chịu trách nhiệm nếu PG mắc lỗi và bị khách hàng than phiền. Thương làm 6 buổi/tuần, thời gian từ 15-21 giờ/ngày, lương 130.000 đồng/6 giờ, so với các việc chính thì cũng gần tương đương. Với Thương đây chỉ công việc bán thời gian chứ không gắn bó lâu dài trong tương lai bởi PG thường hay nhảy việc. Tuy nhiên, nghề PG không chỉ giúp Thương có thu nhập mà còn để học hỏi, phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử…
VÕ THẮM - HẢI THU