Nghề nấu ăn, bartender hút giới trẻ

Thay vì lựa chọn bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng, không ít bạn trẻ tìm đến nghề nấu ăn, bartender (pha chế) để kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí là kiếm sống được ngay khi còn đi học.
Nghề nấu ăn, bartender hút giới trẻ

Thay vì lựa chọn bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng, không ít bạn trẻ tìm đến nghề nấu ăn, bartender (pha chế) để kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí là kiếm sống được ngay khi còn đi học.

Học viên Trường Trung cấp nghề Việt Giao trong một tiết học thực hành.

Có việc làm khi còn đi học

Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại vào một buổi chiều đầu tuần, Lâm Chí Văn, 22 tuổi, chuyên ngành bếp tại Trường Trung cấp nghề Việt Giao, chia sẻ rằng, em đang bận dạy học nấu ăn trong lớp học. Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được biết cậu thanh niên “ngày làm trò, tối làm thầy” này hiện chưa tốt nghiệp, nhưng đã dạy nấu ăn cho nhiều người tại một địa điểm trên địa bàn quận Bình Tân, TPHCM. Ngoài ra, em còn làm bán thời gian tại khách sạn Park Royal (quận 1). Thu nhập bình quân mỗi tháng của Lâm Chí Văn khoảng 6 triệu đồng.

Tương tự, Cao Hoài Nghĩa, 22 tuổi (ngụ tại Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai), cũng là học viên trường Việt Giao, chưa tốt nghiệp nhưng đã có việc làm bartender ổn định tại một địa điểm trên địa bàn quận 1, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. “Với mức lương này, em có thể tự trang trải cuộc sống, thay vì chờ người thân gửi tiền mỗi tháng”, Cao Hoài Nghĩa vui vẻ nói. Qua tiếp xúc, chúng tôi nhẩm tính, mức lương, thu nhập của một số học viên đang ngồi trên ghế trường nghề cũng ngang ngửa lương cử nhân đại học vừa ra trường.

Thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM, cho biết, các ngành trong khối du lịch như quản trị, kỹ thuật chế biến món ăn… đang có nhu cầu rất lớn, thu nhập cao. Bằng chứng, nhiều sinh viên của trường đang có việc làm thời vụ, hoặc ổn định tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TPHCM.

Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Giao, nhận định, sinh viên chuyên ngành nấu ăn, bartender của trường kiếm việc rất dễ. Một số có thu nhập từ nghề học khoảng 4-6 triệu đồng/tháng. Để dẫn chứng, Thạc sĩ Trần Phương giới thiệu đích danh một số sinh viên của trường để chúng tôi kiểm chứng.

 Một số chuyên gia giáo dục nhận định, học viên trường nghề dễ kiếm việc làm hơn, trái ngược với cảnh nhiều cử nhân đại học thất nghiệp sau khi ra trường. Thậm chí không ít học viên đang ngồi trên ghế trường nghề đã có thể kiếm được một công việc thu nhập ổn định theo đúng ngành nghề đào tạo. Rõ ràng, tín hiệu tích cực này được xem như một cú hích trong bối cảnh trường nghề bị xem là yếu thế, lép về so với các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hiện nay.

Sức hấp dẫn của những nghề “lấm lem”

Mặc dù cơ hội rộng mở là thế, nhưng nhìn chung, việc học sinh vừa rời ghế nhà trường tìm đến các trung tâm, trường dạy nghề chưa nhiều. Lý giải nguyên nhân này, thầy Nguyễn Đăng Lý nói, chính tâm lý của phụ huynh, giáo viên đẩy phần lớn con em mình tìm đến các trường đại học, cao đẳng, thay vì vào học tại các trường nghề. Có lẽ, chính thước đo ngầm (các trường phổ thông tự ganh đua với nhau), danh tiếng của một trường phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh đậu đại học đã góp phần không nhỏ làm công tác phân luồng trong đào tạo vốn đã rối càng thêm rối.

Bàn về nghề thời thượng, xã hội cần, Thạc sĩ Trần Phương cho rằng, nấu ăn và bartender đều là những nghề đòi hỏi tính nghệ thuật cao, sự kiên trì, sáng tạo, thu nhập tương xứng nên chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút giới trẻ trong khoảng 10 năm nữa. Thực tế đã chứng minh trong suốt thời gian qua, ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng; không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, được báo chí thế giới khen ngợi.

Sắp tới, khi cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hoạt động sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho việc giới thiệu các món ăn Việt tới bạn bè quốc tế. Mức lương của một đầu bếp ở các nhà hàng, khách sạn lớn lên tới hàng ngàn USD/tháng; lương phụ bếp cũng dao động ở mức 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng, tùy nơi. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của ngành nghề từng bị xem là “lấm lem”, chẳng mấy vẻ vang này.

Rõ ràng, cơ hội, sức hấp dẫn của nghề nấu ăn, bartender không hề nhỏ; nhưng không phải học sinh nào cũng chấp nhận từ bỏ giấc mơ đại học (mặc dù đôi khi thiếu thực tế, nằm ngoài khả năng các em) để đến với trường nghề. Do vậy, công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục xuyên suốt quá trình học tập của các em. Khi việc phân luồng nghề nghiệp được thực hiện trơn tru, hiệu quả sẽ mở ra cơ hội tìm được việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều người trẻ.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên quán quân MasterChef Việt Nam 2014 Hoàng Minh Nhật đăng quang lúc 23 tuổi, khi đang là nhân viên một ngân hàng. Ngay sau đó, cô gái trẻ này đã bỏ việc để chọn theo nghề mà cô đam mê - nấu ăn. Trong năm 2015, Minh Nhật sẽ ra sách, mở một kênh youtube truyền bá ẩm thực truyền thống và đặc biệt là mở một chuỗi nhà hàng nhỏ mang thương hiệu của mình. Dám từ bỏ một việc làm đáng mơ ước của nhiều người để theo đuổi đam mê của mình và sống được với nó là cách mà Minh Nhật đã chọn…

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục