Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân: Cấp thiết bảo vệ tác quyền

Nhiều năm qua, nghệ thuật nhiếp ảnh đã có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật, quảng cáo, giao lưu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động nhiếp ảnh vẫn còn không ít khó khăn trong hoạt động chuyên môn. 

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhiếp ảnh TPHCM (HOPA) - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, xung quanh những vấn đề làm thế nào để nhiếp ảnh thành phố ngày càng phát triển hơn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân: Cấp thiết bảo vệ tác quyền ảnh 1  Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân
- PHÓNG VIÊN: Trong sự vận động không ngừng của công nghệ mới, theo ông, vấn đề khó khăn hiện nay của Hội Nhiếp ảnh TPHCM là gì?

- Nghệ sĩ nhiếp ảnh HOÀNG THẠCH VÂN: Hiện nay, hội có hơn 450 hội viên, người cao tuổi chiếm 60%. Tôi vui vì thời gian qua công tác phát triển hội viên mới đang góp phần trẻ hóa dần lực lượng hội viên. Anh em nhiếp ảnh TPHCM cũng tham gia rất nhiều các cuộc thi ảnh đẹp trong nước và quốc tế, đạt được hàng trăm giải thưởng, huy chương vàng, bạc, đồng, có nhiều anh em được phong danh hiệu của FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế), của các hội nhiếp ảnh Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Singapore…

Các tay máy chuyên nghiệp đã cùng hội đóng góp rất nhiều cho hoạt động nhiếp ảnh TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay văn phòng hội ở 122 Sương Nguyệt Ánh, quận 1 khá nhỏ hẹp, nên các đợt triển lãm đón rất ít khách tham quan. Nếu đem triển lãm đến không gian lớn hơn ở Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM, 81 Trần Quốc Thảo, quận 3 thì lại càng ít người xem hơn. Thế nên việc tổ chức quảng bá tác phẩm cũng gặp không ít khó khăn. 

Thật ra, đối với TPHCM, về phát triển công nghiệp văn hóa, cũng nên có nhà triển lãm chung, không chỉ riêng cho nhiếp ảnh mà cho cả các loại hình nghệ thuật khác tại khu trung tâm thành phố để góp phần quảng bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật mang tính trực quan. Mặt khác, khó khăn rất lớn của hội hiện nay vẫn là công tác đào tạo, làm sao để có được đội ngũ trẻ đủ năng lực, giỏi nghề.

- Vậy công tác đào tạo của nhiếp ảnh TPHCM hiện nay ra sao, thưa ông?

- Tại TPHCM, việc dạy nhiếp ảnh chỉ nằm ở các khoa, trong các trường đại học, chủ yếu là ở khoa báo chí nên đào tạo cũng chưa đi vào chiều sâu. Khoa Nhiếp ảnh của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM có tuyển sinh nhưng gặp nhiều hạn chế. Tại hội, tuy có tổ chức đào tạo nhiếp ảnh dành cho người yêu thích chụp ảnh, từ cơ bản đến nâng cao, nhưng không chính quy, giáo trình cũng lạc hậu. Với công tác đào tạo nhiếp ảnh trẻ chất lượng cho tương lai, cần thiết phải có chủ trương của TPHCM, mở rộng khoa nhiếp ảnh của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM; xây dựng giáo trình, giáo án chuẩn, được Bộ GD-ĐT công nhận thì khi ra trường bằng cấp của các em mới có giá trị.

Hội cũng mong phối hợp với các trường cấp 2, cấp 3, đại học để phát huy công tác đào tạo nghề cho những bạn sinh viên, học sinh yêu thích nhiếp ảnh, một mặt cũng là để hướng nghiệp cho các em có tiềm năng. Muốn làm được điều này cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều đơn vị quản lý nhà nước và có chủ trương từ UBND TPHCM, Sở VH-TT, Sở GD-ĐT… 

- Nhiều năm qua, các vi phạm về tác quyền nhiếp ảnh vẫn luôn là bức xúc của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay, cả nước vẫn chưa có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh, các hội phải tự thân vận động. Hội Nhiếp ảnh TPHCM cũng đang có những bước đi đầu tiên, nhờ luật sư soạn thảo các văn bản liên quan vấn đề tác quyền dành cho lĩnh vực nhiếp ảnh. Có thể sang năm sẽ tiến hành thực hiện chi tiết, cụ thể hơn, rồi thành lập phòng tác quyền của hội, đại diện hội có tiếng nói bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh của anh em hội viên. 

Những năm qua, tình trạng vi phạm về tác quyền trong nhiếp ảnh rất nhiều. Không ít cá nhân, trang mạng xã hội, đơn vị thông tin truyền thông lấy ảnh trên Google, Facebook cá nhân để đăng tải mà không xin phép tác giả. Đặc biệt, trong thị trường lịch, việc xâm phạm bản quyền diễn ra rất nhiều, có khi chỉ trả tiền nhuận ảnh một lần nhưng lại sử dụng nhiều lần, hoặc không trả luôn. Kể cả một số đơn vị doanh nghiệp lấy ảnh để đăng quảng cáo, khi bị phát hiện, hội lên tiếng thì đơn vị xin lỗi hoặc gỡ ảnh xuống là xong. Có những sự việc lớn, hội lên tiếng nhưng cũng chỉ là thông tin dư luận thôi chứ còn về mặt pháp luật thì chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Với thực trạng hiện nay, cần thiết phải có một tổ chức để bảo vệ tác quyền của anh em làm nhiếp ảnh.

- Trước thềm Đại hội lần VIII Hội Nhiếp ảnh TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, ông mong mỏi và kỳ vọng điều gì?

- Với những khó khăn trên, hội rất cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía lãnh đạo thành phố, đặc biệt là Sở VH-TT TPHCM, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM. Thời gian tới, hội vẫn duy trì và phát triển các hoạt động chuyên môn, nhưng về lâu dài, để mang tính định hướng thì cần Nhà nước có sự hỗ trợ cho các dự án lớn, dành cho cá nhân hay nhóm nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Hiện nay, anh em gia nhập hội và chụp ảnh chỉ vì đam mê, tự đầu tư máy móc, tự thân vận động, trong khi kinh phí của hội có giới hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sáng tạo cao của anh em.

Trong nhiệm kỳ mới, hội sẽ xây dựng “thư viện nhiếp ảnh” để anh em có nơi tham khảo. Cũng cần thiết phải có nhà triển lãm tại khu vực trung tâm để quảng bá tác phẩm, hoặc tạo điều kiện cho hội có nơi triển lãm ảnh, giúp tác phẩm tiếp cận với công chúng nhiều hơn như ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách TPHCM hoặc quy hoạch một khu vực triển lãm tại Công viên Tao Đàn… 

Ngoài ra, hội cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện một cuốn sách ảnh về TPHCM. Đó là những hình ảnh đẹp về TPHCM trên con đường hội nhập và phát triển, nhất là phát triển về đô thị, giao thông, các công trình lớn… Để phát triển công tác đối ngoại, hội mong các cơ quan chức năng tại TPHCM tạo thêm điều kiện cho hội mở rộng các mối quan hệ đối tác giao lưu với các hội nhiếp ảnh nước ngoài, để nâng cao tay nghề đội ngũ nhiếp ảnh trong nước, cũng như có thêm cơ hội giao lưu, 
học hỏi kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục