Nhận lời mời của Trường Đại học Hobart & William Smith, tôi cùng GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và nghệ sĩ Kiều Oanh bay sang Mỹ để tọa đàm và giới thiệu nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam với các giáo sư, giáo viên và sinh viên ở một số trường đại học Mỹ tại bang New York.
Trường Đại học Hobart & William Smith rộng lớn gần như chiếm mất một góc thành phố. Xe chúng tôi vừa dừng bánh đã thấy GS Harris và vợ của ông đang chờ ở cửa nhà khách. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, GS Harris xách giúp hành lý chúng tôi vào phòng nghỉ giống một người phục vụ, mặc dù ông là một GS danh tiếng, Chủ nhiệm khoa Nhân học và Xã hội học toàn cầu.
GS Harris cho biết, cách đây 13 năm (1997), ông cùng đoàn sinh viên Mỹ đã được nghe tôi thuyết trình về nghệ thuật tuồng chèo tại Khoa quốc tế Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đặc biệt là đêm diễn trích đoạn tuồng chèo cũng do tôi giới thiệu như một bữa tiệc nghệ thuật, đã làm cho ông và các bạn của ông, cùng sinh viên Mỹ hết sức thích thú.
Đó là ấn tượng đẹp về văn hóa Việt Nam đầu tiên đối với ông. Vì vậy mà năm nay ông quyết tâm mời chúng tôi đến trình bày nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Trường Đại học Hobart & William Smith, để sinh viên ở đây được “thực mục sở thị” một nền nghệ thuật độc đáo và đặc sắc ở Việt Nam.
Thật là cảm động khi chúng tôi nhìn thấy ảnh Bác Hồ đặt trang trọng giữa ảnh những danh nhân người Mỹ ở ngay mặt tiền thư viện của Trường Đại học Hobart & William Smith, nơi ai mới bước vào trường cũng đều trông thấy.
GS Nguyễn Thuyết Phong cho biết, chính GS Harris đã tự mình sưu tầm ảnh Bác Hồ và cũng tự tay ông xếp đặt như vậy. Điều đó càng cho thấy ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc biết chừng nào trong lòng nhân dân thế giới. Chúng tôi được hai GS Harris và D’Agostino đưa vào khu nhà ăn của trường đại học, ở đây có phòng ăn rộng lớn phục vụ cho hàng trăm sinh viên và một phòng bên cạnh dành riêng cho thầy cô giáo.
Ông Hiệu trưởng biết chúng tôi. Ở đây nên tìm đến chào hỏi rất thân tình. Ăn xong, GS D’Agostino lại đưa chúng tôi về nhà để chuẩn bị cho hai cuộc trình diễn lúc 4 giờ chiều và 7 giờ 30 tối. Ngoài trời tuyết vẫn cứ rơi cộng với gió lạnh đến tê người nhưng lòng chúng tôi vẫn thấy ấm áp. Chúng tôi lại luyện tập tiết mục để cho những buổi trình diễn không có sơ sẩy về kỹ thuật. Đúng 3 giờ chiều, GS D’Agostino lại đến giúp chúng tôi đưa dụng cụ biểu diễn ra sân khấu, đúng ra là phòng học sang trọng và rộng lớn.
Buổi giới thiệu và thảo luận nghệ thuật đầu tiên chúng tôi không phải hóa trang phục trang nhưng cũng làm cho người xem nhận biết được phần nào nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam, qua việc giới thiệu có minh họa những động tác tuồng theo nguyên tắc cách điệu, ước lệ và tượng trưng như bắt ngựa, đi ngựa, uống rượu, câu cá, xiên, bê, lăn... cũng như cách sử dụng võ thuật và binh khí trong tuồng. Người xem đều cảm nhận được và tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam.
Mọi người còn tỏ ra hào hứng khi nghe GS Nguyễn Thuyết Phong thuyết trình về âm nhạc dân tộc Việt Nam và các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Kiều Oanh hát dân ca.
Đặc biệt, đêm diễn tổng hợp được tổ chức tại sân khấu câu lạc bộ Trường Đại học Hobart & William Smith, người dự khá đông. Mở đầu chương trình, GS Nguyễn Thuyết Phong giới thiệu đoàn Việt Nam là Kiều Oanh cùng Mai Tuyết Hoa hát bài dân ca quan họ “Khách đến chơi nhà” như một lời chào độc đáo.
Tiếp đó GS Phong độc tấu đàn nguyệt, đàn bầu, Kiều Oanh hát ru con Nam bộ, Mai Tuyết Hoa hát xẩm và độc tấu đàn tính. Cả hội trường yên lặng lắng nghe những giai điệu lạ lẫm mà dễ vào lòng người, cũng giống như lần đầu người Mỹ họ ăn phở, bún chả hoặc nem rán Việt Nam, vừa ăn vừa gật đầu khen ngon.
Đặc biệt, qua giới thiệu của GS Phong, hơn nửa thế kỷ qua hình thức hát rong (hát xẩm) vắng bóng trên đường phố Hà thành, nhờ nỗ lực của các nghệ sĩ ở Hà Nội mà hát xẩm dần được phục hồi, và giờ đây được nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa mang đến nước Mỹ lần đầu tiên, khán giả được nghe những giai điệu hiếm có, và độc đáo ấy.
Điểm nhấn của chương trình nghệ thuật tại trường đại học này là tuồng (hát bội). Tôi giới thiệu khái quát về đặc trưng tuồng: Thốn thổ thị triều đình châu quận/Nhất thân kiêm phụ tử quân thần/ Hoặc: Đường dài muôn dặm đi ba bước/Ngựa chạy hai chân quất một roi. Đồng thời, tôi diễn minh họa những hình thức biểu diễn tuồng như uống rượu đi ngựa, câu cá... Khán giả tỏ ra thích thú theo dõi tiết mục này. Để thấy được tính tổng hợp của nghệ thuật tuồng, cùng một lúc múa, hát và diễn, tôi và Kiều Oanh cùng diễn lớp tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Thật ra, tôi diễn vai Tiết Giao đoạt ngọc có tính minh họa là để làm cái cớ cho khán giả hiểu vì sao Hồ Nguyệt Cô phải hóa cáo. Ở chỗ nầy, Kiều Oanh đã cố gắng hết mức để diễn tả tấm bi kịch của cô gái Hồ Nguyệt Cô vì không kiềm chế con tim mình, không cảnh giác để kẻ thù cướp mất viên ngọc quý nên phải trở lại kiếp cáo. Khán giả tiếp nhận được ý nghĩa và triết lý sâu sắc của lớp tuồng nên vỗ tay nhiệt liệt.
Chương trình giới thiệu nghệ thuật của chúng tôi tại Trường Đại học Hobart & William Smith đã thành công. GS Harris bước lên sân khấu chân thành cảm ơn chúng tôi, những sứ giả tình nguyện đi quảng bá văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ, đồng thời còn nối nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hoàng Chương