Nghêu chết tràn lan ở ĐBSCL, “tiền tỷ” trôi theo bọt biển!

Vùng nuôi nghêu xứ biển Gò Công Đông (Tiền Giang) đang ăn nên làm ra, bỗng nhiên dịch bệnh ập đến làm nghêu chết tràn lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Hàng loạt hộ nuôi nghêu chỉ trong phút chốc đã trở thành con nợ, nguy cơ phá sản chực chờ.
Nghêu chết tràn lan ở ĐBSCL, “tiền tỷ” trôi theo bọt biển!

Vùng nuôi nghêu xứ biển Gò Công Đông (Tiền Giang) đang ăn nên làm ra, bỗng nhiên dịch bệnh ập đến làm nghêu chết tràn lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Hàng loạt hộ nuôi nghêu chỉ trong phút chốc đã trở thành con nợ, nguy cơ phá sản chực chờ.

Tan tác sân nghêu

Có mặt ở bãi nghêu Gò Công Đông vào sáng sớm 28-3, chúng tôi chứng kiến không khí vụ mùa hết sức ảm đạm, cảnh thu hoạch khẩn trương, mua bán tấp nập không còn diễn ra, thay vào đó là những u buồn lo âu hiện trên khuôn mặt của hàng trăm hộ nuôi nghêu.

Ông Phạm Văn Kiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (xã nuôi nghêu chủ lực của huyện Gò Công Đông), lắc đầu: “Hết rồi! toàn bộ sân nghêu thuộc 3 ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú đều tan hoang xác nghêu phơi đầy bãi không thể đếm xuể. Tình hình này dân nuôi nghêu trắng tay là cái chắc”.

Thị trường xuất khẩu nghêu đang rất triển vọng nhưng đến nay chưa được đầu tư đúng mức .
Thị trường xuất khẩu nghêu đang rất triển vọng nhưng đến nay chưa được đầu tư đúng mức .

Hốt mớ nghêu vừa chết còn hôi mùi tanh, ông Kiệp cho biết, bãi nghêu đang phát triển tốt thì khoảng tuần đầu tháng 3-2010, một số hộ nuôi thấy nghêu chết rải rác. Ban đầu không ai để ý, cứ nghĩ nghêu thiệt hại chút ít là chuyện bình thường. Ai ngờ đến giữa tháng 3 thì nghêu “đột quỵ”, đặc biệt mấy ngày nay thì “đột tử” gần hết. Lúc này chính quyền địa phương và người nuôi mới “tá hỏa” tìm cách khắc phục nhưng mọi chuyện không thể cứu vãn.

Bàng hoàng trước thảm trạng nghêu chết, anh Nguyễn Phi Quân kể: “Vụ này gom hết vốn liếng, cộng với tiền vay bạc hỏi được hơn 400 triệu đồng đầu tư nuôi 3 ha nghêu. Hồi đầu tháng, thương lái đến hỏi mua nghêu thịt với giá 18.000 đồng/kg, chưa kịp bán thì dịch bệnh ập đến, kéo toàn bộ sân nghêu trôi theo bọt biển. Giờ nợ nần tứ phía chẳng biết lấy đâu để trả”.

Men theo tuyến đê biển Gò Công, chúng tôi tìm đến trang trại của “Vua nghêu” Võ Văn Mánh (Sáu Mánh), người nuôi nghêu giỏi nhất vùng. Nhìn xác nghêu trắng xóa, ông Sáu Mánh không thể tin những gì đã xảy ra chỉ trong mấy ngày đã biến hàng loạt hộ nuôi nghêu trở thành con nợ. Bản thân ông với hơn 23 năm kinh nghiệm nhưng 17 ha nghêu cũng tan tác, thiệt hại ban đầu khoảng 2 tỷ đồng.

Theo ông Sáu Mánh, mọi năm vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thường xảy ra hiện tượng nghêu chết nhưng mật độ rất thấp. Lần này nghêu chết rất nhanh và chết nhiều nhất trong hàng chục năm qua, do đó dù ai có tài cách mấy cũng bó tay.

Nguy cơ lan rộng

Theo tính toán của UBND xã Tân Thành, năng suất nghêu bình quân khoảng 15- 20 tấn/ha, giá thị trường từ 17.000- 18.000 đồng/kg, với 900 ha nghêu thịt bị chết, ước tính mức thiệt hại hơn 230 tỷ đồng trở lên.

Theo thống kê ban đầu của UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, 900ha nuôi nghêu thịt của xã có tỷ lệ thiệt hại từ 40% -  80%, có nơi đến 100%. Bên cạnh đó, hơn 300 ha nghêu giống cũng bị chết ở mức độ 20% - 40%. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông thừa nhận, đến thời điểm này huyện chưa có giải pháp nào ngăn được tình trạng nghêu chết tràn lan, đồng thời cũng chưa có cách hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại.

Những ngày qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn trực tiếp xuống bãi nắm tình hình nghêu chết do đâu. Cũng có thể do nắng nóng kéo dài, độ mặn quá cao (khoảng 30‰ trở lên), diễn biến thời tiết phức tạp… Phía Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cũng vừa cử cán bộ xuống lấy mẫu nghêu chết đem đi xét nghiệm.

Trong lúc các ngành chức năng loay hoay tìm nguyên nhân thì “Vua nghêu” Sáu Mánh cảnh báo: Trước Tết Canh Dần, bãi nghêu ở Cần Giờ (TPHCM) bị chết la liệt, thiệt hại rất lớn, nay bãi nghêu Gò Công Đông tiếp bước. Nhìn vào diễn biến thời tiết thì vấn nạn nghêu chết chưa có điểm dừng, nhiều khả năng sau Gò Công Đông thì các bãi nghêu ở Bến Tre; Trà Vinh… sẽ “dính chấu” nếu không cấp bách phòng ngừa.

Tại Bến Tre, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nghêu Rạng Đông, huyện Bình Đại, cho biết: “Mấy ngày qua đã xuất hiện tình trạng nghêu chết lác đác, dù chưa nhiều nhưng HTX rất lo. Trước mắt, HTX đã khẩn cấp thu hoạch những diện tích nghêu lớn và di dời 200 tấn nghêu giống đi nơi khác đề phòng dịch bệnh”. 

Phải có bài bản nuôi nghêu

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nghêu hàng đầu cả nước hiện nay), cho biết: “Nghêu là mặt hàng thủy sản đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng, giá xuất cao. Năm nay nghêu chết nhiều sẽ khiến sản lượng giảm và hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Do đó không chỉ người nuôi mà cả doanh nghiệp cũng đang “sốt vó” về chuyện nghêu chết”.

Anh Nguyễn Phi Quân (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bất lực bên bãi nghêu chết
Anh Nguyễn Phi Quân (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bất lực bên bãi nghêu chết

Ngoài giải pháp cứu nghêu hiện nay, về lâu dài ông Đạo khẳng định, tiềm năng của con nghêu rất lớn nhưng các ngành chức năng chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Cụ thể, lâu nay chỉ chăm bẳm vào khai thác từ con giống, thả nuôi, nghêu lớn… đều do tự nhiên, chứ chưa ai bỏ vốn đầu tư. Thậm chí chẳng có đề tài nghiên cứu khoa học nào về con nghêu như môi trường nuôi, tăng trưởng, phòng trị bệnh…

Đã đến lúc cần tái tạo đầu tư lại cho con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, duy trì nguồn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu… một cách bài bản.

Phải hài hòa giữa đầu tư và khai thác thì mới phát triển bền vững được. Chứ còn “đua” nhau khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên dù có cao như núi cũng phải lở.

HUỲNH PHƯỚC  LỢI
 

Tin cùng chuyên mục