Mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng?
Theo NĐ 126, NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế khi được yêu cầu, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin kể trên được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ ngày 5-12 và cập nhật các thông tin về tài khoản hàng tháng.
Bên cạnh đó, các NHTM phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật. Thời gian cung cấp là 10 ngày đầu mỗi tháng. NĐ 126 cũng nêu rõ, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các NHTM cho biết, quy định trên mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng. Theo luật này, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.
Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, hiện ngân hàng này vẫn cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho một số cơ quan như công an, cảnh sát, tòa án nhằm phục vụ việc thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan này yêu cầu. Tuy nhiên, NĐ 126 lại quy định việc cung cấp thông tin đại trà cho cơ quan thuế thì cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn cụ thể và phải làm rõ thông tin: cơ quan thuế có thuộc nhóm cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng hay không.
“Trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ từ chối cung cấp thông tin vì theo nguyên tắc, chúng tôi phải làm đúng theo quy định của luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng - PV). Hơn nữa, nghị định nằm dưới luật nên chúng tôi thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật cao nhất” - vị này cho hay.
Theo đại diện VietinBank, để thực hiện cụ thể các quy định mới theo NĐ 126 thì ngân hàng vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành thông tư hướng dẫn. Vị này cho rằng, cần có cơ chế liên thông giữa cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng để việc trao đổi thông tin dữ liệu được thuận lợi hơn. Cả hai bên cần xác định rõ đối tượng, tiêu chí khách hàng nào phải cung cấp thông tin, từ đó xác định phương thức cung cấp cũng như chuyện cam kết bảo mật thông tin phải được thực hiện như thế nào…
Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng này vẫn cung cấp thông tin liên quan khi có yêu cầu của cơ quan thuế nhưng không phải là công việc thường xuyên, liên tục với số lượng khách hàng lớn. Vị này cho rằng, việc cung cấp thông tin nên quy về một đầu mối, chẳng hạn như mã định danh cá nhân và kết nối với hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước, tương tự hình thức truy cập dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Bởi lẽ, các ngân hàng khó có đủ nhân lực để đáp ứng việc cung cấp số liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế một cách đại trà.
Ngân hàng không làm thay cơ quan thuế
Ngoài ra, NĐ 216 cũng quy định NHTM có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các kênh thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội mà nhà cung cấp ở nước ngoài như Amazon, Facebook, Google, YouTube… Trong đó, nếu nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng, trung gian thanh toán khấu trừ, nộp thay với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán. Trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán phải theo dõi số tiền giao dịch và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế.
Đại diện Vietcombank cho rằng, NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, nếu có. NHTM không có thẩm quyền và tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế là tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế... trừ khi được cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản đề nghị ngân hàng hỗ trợ.
Các NHTM cũng cho biết, để thực hiện những quy định trên, ngân hàng phải có nguồn lực để theo dõi, xử lý công việc này nên sẽ tăng chi phí cho ngân hàng. Đó là chưa kể nếu ngân hàng khấu trừ, nộp thay thuế sai đối tượng, sai mức độ hoặc không được sự đồng ý của chủ tài khoản sẽ dẫn đến việc khiếu nại, kiện tụng sau này, gây nhiều phí tổn cho xã hội. Ngân hàng sẽ báo cáo với NHNN hoặc thông báo với cơ quan thuế những trường hợp có các giao dịch đáng ngờ, bất thường hoặc những đối tượng mà ngành thuế đang theo dõi, khi ngành thuế yêu cầu phòng tránh việc trốn, gian lận thuế chứ không thể cập nhật thông tin định kỳ hàng tháng. Bởi lẽ, không thể vì sự tiện lợi cho ngành thuế mà yêu cầu ngân hàng làm thay.
Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã thực hiện từ rất lâu nhưng đến nay, vẫn còn đến 80% người dân có thói quen sử dụng tiền mặt để chi tiêu hàng ngày. Việc quy định mới trong NĐ 126 nhằm chống thất thu thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng là hoàn toàn đúng nhưng chưa chắc ngành thuế có thể thu đúng, thu đủ mà có khi sẽ dẫn đến tình trạng những người kinh doanh trực tuyến sẽ chuyển qua giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt theo hình thức COD (cash on delivery - giao hàng thu tiền). Những trường hợp này thì cơ quan thuế cũng chịu thua vì không có cơ sở để thu thuế. Và như vậy, việc chống thất thu thuế thông qua NĐ 126 vẫn chưa thể giải quyết triệt để mà còn ảnh hưởng đến chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Chính phủ. Thay vào đó, cần có một chính sách hỗ trợ giảm thuế cho các cá nhân kinh doanh trực tuyến và thực hiện 100% thanh toán qua ngân hàng thì việc thu thuế mới thực sự đạt hiệu quả.