Nghị lực chiến thắng số phận

Nhìn danh sách những nữ công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn lao động giỏi tham dự buổi họp mặt sáng 25-10 do LĐLĐ TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu lặng người: Trần Thị Tố Nga, sinh năm 1980, suy thận mãn; Cái Thị Minh Thủy, sinh năm 1985, K đại tràng, K buồng trứng; Phạm Thị Toan, sinh năm 1979, sỏi gan, sỏi mật phải đặt ống dẫn… Và câu chuyện về nghị lực vượt lên bệnh tật, vượt lên số phận của những nữ CN còn quá trẻ nhưng mắc bệnh hiểm nghèo càng khiến người nghe xúc động.

Những mảnh đời tận khổ

“Tới bữa cơm, mấy chị em trong phòng thường đổi đồ ăn cho nhau. Riêng Thủy vẫn khư khư giữ ca-men của mình với 2 - 3 con cá nhỏ xíu. Có lần, tôi lén Thủy lấy 1 con ăn thử. Mặn tê lưỡi, không nuốt nổi. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao Thủy không bao giờ cho người khác đụng vào phần cơm của mình”. Nói về cô CN Cái Thị Minh Thủy, chị Nguyễn Kim Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Tân Hợp (KCN Lê Minh Xuân) cứ xót xa nhớ về bữa ăn cá mặn - món ăn sang nhất mà Thủy dùng để bồi dưỡng sau đợt xạ trị chết đi sống lại. 23 Tết năm ngoái, Thủy bị đau bụng tím tái cả người.

Anh em chuyển cô ra phòng khám của KCN Lê Minh Xuân rồi Bệnh viện Nhân dân 115. Sau nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ tổ chức hội chẩn. Kết quả ghi trong hồ sơ bệnh án: “K đại tràng, K buồng trứng”. Chị Phượng mắt đỏ hoe: “Cầm kết quả trong tay mà Thủy và mẹ vẫn ngơ ngác không hiểu. Đến khi liếc thấy chữ “K”, tôi thương Thủy mà không nói được câu nào”. Hơn 10 năm nay, gia đình Thủy lâm vào cảnh khốn khó khi ba Thủy bị suy thận mãn, phải liên tục đi chạy thận nhân tạo, mỗi tuần tốn gần 1,5 triệu đồng. Thương ba, sợ ông bị sốc, mấy mẹ con không dám hé răng về bệnh tình của Thủy. Mỗi lần vay tiền cho Thủy đi xạ trị, mẹ nói dối cô bác hàng xóm là vay tiền làm ăn… Bữa ăn của cả nhà giờ chỉ còn rau, đậu hũ. Họa hoằn lắm mới có được mấy con cá đồng.

Mới 9 tuổi, chị Phạm Thị Toan, CN đóng gói Công ty Đông Nam Dược Bảo Long đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Toan và 3 em về sống với bà nội. Cuộc sống ngày càng không có lối thoát khi sức khỏe bà nội càng lúc càng yếu. Học hết lớp 9, Toan bỏ học vào Sài Gòn kiếm sống. Nhìn cô gái cao chưa đầy 1,2m, nặng không quá 35 kg, nhân viên nhân sự của các công ty ngao ngán lắc đầu. “Khi đến Công ty Đông Nam Dược Bảo Long, các anh chị nhìn em hỏi: Em bé thế thì làm được cái gì? Sợ không xin được việc, em năn nỉ: “Chuyện gì em cũng ráng làm” - Toan nhớ lại. May thay, ban giám đốc thương tình, nhận Toan vào làm ở khâu đóng gói. Cuộc sống chưa kịp sang trang thì tai họa lại ập xuống: Toan bị sỏi gan, sỏi mật nặng, phải phẫu thuật đặt ống thông sỏi. Sinh đứa con đầu lòng, sức khỏe cạn cùng, Toan nằm liệt giường hơn 1 tháng. Không sức khỏe, không họ hàng, tương lai tưởng chừng đóng sập cánh cửa trước mặt cô gái trẻ.

Ngày còn nhỏ, chị Trần Thị Tố Nga mơ ước được làm công an. Thế nhưng ước mơ đó mãi mãi không trở thành hiện thực khi Nga không có tiền đóng học phí, phải nghỉ học, xin làm công nhân. Cuộc sống gia đình vừa tạm ổn thì bác sĩ cho biết cô mắc chứng “bệnh nhà giàu”: suy thận mãn. Từ đó, 1 tuần của Nga chia làm 2 nửa: 3 ngày gò lưng bên bàn máy, 3 ngày vào viện chạy thận. Ròng rã như vậy đã được 8 năm.

Nghị lực chiến thắng số phận

Mắc bệnh hiểm nghèo nhưng trái tim yêu đời của cô gái chưa tròn 23 tuổi vẫn khiến Cái Thị Minh Thủy gắng vượt cơn đau trở lại công ty làm việc. Xạ trị rụng hết tóc, Thủy đội tóc giả đi làm. Bị thuốc hành xanh rớt cả người nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi Thủy. Thủy cười: “Chừng nào thật khỏe, em muốn đi học tiếp để làm nhân viên phụ trách bảo hiểm của công ty. Em xài tiền bảo hiểm của cộng đồng đóng góp nhiều rồi, giờ em muốn được làm công việc đó để trả ơn cho cuộc đời, giúp đỡ những bạn CN khác”.

Từ một nhân viên thủ kho, Thủy đã được chuyển lên làm công tác văn phòng. Còn cô gái Phạm Thị Toan, sau những ngày thập tử nhất sinh trên giường bệnh đã cố gắng trở lại làm việc. Và thật bất ngờ, nghị lực phi thường đã khiến Toan không chỉ hoàn thành mà còn thường xuyên vượt mức kế hoạch, nhiều lần được ban giám đốc, ban chấp hành công đoàn và công ty khen thưởng. Dù bệnh cũ thường xuyên tái phát, mấy lần phải vào viện mổ nhưng Toan vẫn không rời vị trí, quyết bám trụ để kiếm tiền nuôi con và để thấy cuộc đời mình còn có ý nghĩa.

Riêng Trần Thị Tố Nga, mỗi lần chạy thận, Nga bị chuột rút tái người, về nhà tưởng nằm xuống là sẽ mãi không thức dậy được nữa. Ấy vậy mà hơn 8 năm nay, cô CN may ấy vẫn cần cù, chăm chỉ bên bàn máy. Hơn ai hết, Nga hiểu rõ giá trị của cuộc sống. Cuộc sống mà phải rất cố gắng, rất tha thiết, chị mới duy trì được.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: “Điều đáng quý là dù sức khỏe không tốt, các em, các chị vẫn lao động miệt mài, vẫn nâng niu, trân trọng cuộc sống. Tấm gương phấn đấu của các em, các chị là những bài học sinh động về nghị lực, tinh thần vượt khó, chiến thắng số phận. Những tấm gương, những hoàn cảnh đặc biệt ấy càng là động lực để TPHCM, các cấp, các ngành quyết tâm triển khai tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp CN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, trong thời gian tới, TP sẽ chủ trương nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế cấp quận huyện, bệnh viện ở các cửa ngõ TP, tính toán có thể khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT ngoài giờ để tạo thuận lợi cho anh chị em CN”.

Nhân dịp này, LĐLĐ TPHCM đã hỗ trợ cho 220 nữ CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo mỗi người 500.000 đồng. Riêng 9 CN bị bệnh nặng nhất, LĐLĐ TP sẽ tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP còn cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục dành 1.000 suất trợ cấp cho đối tượng CN nghèo.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục