Nghĩ về lá cờ Tổ quốc

Không hiểu sao mỗi lần đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, lòng tôi cứ trào dâng cảm xúc. Lá cờ thắm máu biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã trở thành hồn thiêng sông núi, là biểu tượng tinh thần thiêng liêng, thôi thúc mỗi người nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về trách nhiệm công dân đối với đất nước và dân tộc.

Một

Tôi không bao giờ quên được những ngày đầu năm ấy. Đó là khi kẻ thù từ bên kia biên giới xâm lấn tàn sát đồng bào ta ở vùng biên giới phía Tây Nam. Tôi theo một đơn vị thanh niên xung phong (TNXP), hầu hết là các cô gái, chàng trai vừa bước vào tuổi 20, quê ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, tình nguyện ra phục vụ chiến đấu.

Trên biên giới, có một đồn biên phòng được dựng lên đơn sơ bởi những tấm tôn và cây rừng, nhưng điều đáng nói nhất là có một cột cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng chỉ to vừa bằng tấm khăn vuông mà mẹ tôi vẫn mang khi mùa đông tới, nhưng thật thiêng liêng, gần gũi đối với chúng tôi. Chủ nhà là một trung úy mới ra trường, trạc tuổi chưa đến 25. Còn khách là những nữ TNXP “mặt còn búng ra sữa”… Cuộc gặp gỡ nơi mặt trận đơn sơ không có rượu, trà, chỉ có nhánh lan rừng và bình nước sôi mà ấm áp tình đồng đội. Chúng tôi đang ngồi trò chuyện. Tuổi đôi mươi, trời phú cho chúng tôi - nam nữ gặp nhau, câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt…

Đang vui thì pháo địch từ bên kia biên giới ập tới. Không biết địch đã phát hiện ra chúng tôi đang “thề non hẹn biển” với nhau hay sao, mà dồn dập nã pháo như vãi đạn. Cả căn chòi được coi là đồn biên phòng chung chiêng trong khói đạn và tiếng gió hú như bão cấp 12. Điều làm tôi không cầm được nước mắt là lá cờ Tổ quốc lúc đầu còn phần phật tung bay trong khói đạn, sau bị mảnh pháo cắt ngang, rách bươm nằm gục dưới chân đồi.

Từ trong hầm, tôi thấy cô bạn TNXP trườn ra băng băng chạy về phía lá cờ. Cô vừa ôm trọn lá cờ đỏ thắm vào lòng thì một đợt pháo nữa từ bên kia biên giới dội tới. Chúng tôi xông ra khỏi hầm tiến về phía người đồng đội. Cô TNXP còn trẻ măng, hồn nhiên như nhánh lan rừng, nóng ấm như tia nắng ban mai, ngọt ngào như mùi hương bưởi nằm vật vã trong vòng tay của chàng sĩ quan trẻ. Lá cờ trên khuôn ngực đầy đặn phập phồng của cô đẫm máu. Không biết vốn đã đỏ tươi hay máu của người trinh nữ ấy đã nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc?

Hình ảnh ấy, cách đây hơn 30 năm mà cứ ám ảnh, đằng đẵng theo tôi mãi. Tổ quốc ở đâu? Ở lá cờ thắm máu bạn tôi trên biên giới những ngày chiến tranh ác liệt, chứ còn ở đâu nữa!

Hai

Những năm gần đây, tôi có dịp đi công tác xa Tổ quốc. Ở những nơi đặt chân tới, bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam có khác nhau nhưng điểm chung nhất là ở đâu cũng nghĩ đến một Việt Nam chiến đấu, một Việt Nam chiến thắng. Mọi người đều khẳng định, Việt Nam đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, mà hình như những đối tượng tác chiến ấy chưa bao giờ thua cuộc.

Một buổi tối cuối đông cách đây ít lâu, từ thành phố Washington DC, chúng tôi có việc phải thuê taxi ra ngoại thành. Điều khiển taxi là một người có gốc mấy đời cha ông định cư ở Hoa Kỳ. Thoạt đầu, ông ta cứ nghĩ chúng tôi là người Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng khi tôi nói là người Việt Nam thì thái độ người điều khiển taxi khác hẳn. Ông ta vui vẻ lục lọi trong hộp xe lấy ra khoe với tôi chiếc nón màu đỏ có hình ngôi sao vàng phía trước. Ông cho biết, một người bạn của ông vừa đi du lịch sang Việt Nam, đến tận địa đạo Củ Chi và mua tặng ông chiếc nón Việt Nam thắm đỏ này.

Cầm chiếc nón mang hình dáng lá cờ Tổ quốc trên tay, giữa mùa đông băng giá, tuyết bay đầy trời trên chính thủ đô của một đế quốc đã từng gây nên bao đau thương, tang tóc cho dân tộc mình, lòng tôi vừa quặn đau, vừa xen lẫn niềm tự hào vô tận.

Ông bạn ngoại quốc một tay nắm chặt tay tôi, tay kia chĩa lên trời kiểu bắn súng, miệng kêu: “Pằng pằng”. Đoạn ông đưa ngón tay cái ra làm hiệu. Tôi biết ông đang muốn nói gì. Việt Nam là số một, chỉ có Việt Nam mới có thể thắng những kẻ thù hùng mạnh hơn mình nhiều như thế. Đó là chuyện của người lái xe trên đất Mỹ. Còn tôi, cảm xúc của tôi lại theo một hướng khác. Tôi nghĩ đến lá cờ Tổ quốc trong tay cô gái TNXP và cái nhìn da diết cuối cùng của em trên biên giới Tây Nam cách đây mấy chục năm. Nếu ngày ấy, mảnh pháo oan nghiệt kia không giết chết em, chắc chắn em sẽ cùng tôi có mặt trên đất Mỹ hôm nay. Để có độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, em đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Máu đào của em cũng như biết bao đồng bào, đồng chí đã nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc để lá cờ mang hồn thiêng sông núi ấy cứ ngạo nghễ, vững bền vượt qua không gian, thời gian, trường tồn cùng đất nước.

Tổ quốc là đấy chứ còn đâu nữa! Nơi nào có lá cờ thắm máu những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân thì Tổ quốc hiện về lung linh, thôi thúc bầu máu nóng hiến dâng vì quê hương, đất nước.

Ba

Một dịp giáp tết, sau ngày cúng đưa ông Táo về trời, tôi có mặt trên chuyến máy bay vượt qua Thái Bình Dương từ bên kia trái đất trở về Tổ quốc. Hành khách trên chuyến bay hầu hết là bà con Việt kiều. Ngồi bên tôi là một cặp vợ chồng đã luống tuổi. Cụ ông chừng gần 80, còn cụ bà trẻ hơn đôi chút. Cụ ông cho biết, họ đã đi xa Tổ quốc hơn 30 năm nay. Việc ra đi của họ có nhiều lý do, nhưng bây giờ chỉ có một lý do trở về Tổ quốc vì không thể nào xa quê cha đất tổ được. Lá rụng về cội - người đàn ông đã nói với tôi như thế.

Ông cho biết thêm, ở đất Mỹ họ sống với các con, chẳng thiếu thứ gì nhưng có một thứ mà không thể nào có được, đó là quê hương, Tổ quốc. “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”. Cụ bà đã đọc cho tôi nghe câu thơ của Đỗ Trung Quân và lấy ra từ trong túi lá cờ đỏ sao vàng. Hóa ra, nhu cầu sống của mỗi con người có nhiều điểm khác nhau và cũng có cái giống nhau. Nhu cầu về vật chất có thể khác nhau, nhưng nhu cầu về tinh thần thì hầu như giống nhau cả. Vật chất có thể có giới hạn, còn tinh thần thì mãi mãi, không có điểm dừng.

Tổ quốc là đấy chứ còn đâu nữa, là cái gì mà ta không bao giờ có thể rời xa, là khát khao cháy bỏng không bao giờ nhàm chán, là cái không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người!

* * *

Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, chúng tôi lại đứng nghiêm trang trước lá cờ Tổ quốc. Cũng như lá cờ Tổ quốc trên biên giới năm xưa, hình tượng lá cờ Tổ quốc trên chiếc nón du lịch lấy từ địa đạo Củ Chi trên đất Mỹ và Tổ quốc trong câu chuyện của những người con xa xứ, lá cờ Tổ quốc mà chúng tôi chào hôm nay, trong tiếng nhạc quốc ca hùng tráng, da diết, là hình bóng của cha ông, hồn thiêng sông núi thôi thúc nâng bước chúng tôi nghĩ về những người đã khuất, nghĩ về Tổ quốc để hiến dâng mình

Tùy bút của Trần Thế Tuyển
TPHCM, 9-2010

Tin cùng chuyên mục