Mục tiêu của việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch này nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển TPHCM trong quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 và điều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước trên địa bàn TPHCM, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.
Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia
Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh quy hoạch này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng TPHCM, định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, quy hoạch thoát nước TPHCM còn hướng đến phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ khâu thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng khu vực; đồng thời, góp phần giảm thiểu và từng bước xoá bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm và các đô thị khác trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, đặc biệt là đô thị trung tâm và các khu công nghiệp, định hướng cho các khu vực dân cư đô thị tập trung nông thôn nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý, TPHCM khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hệ thống thoát nước tại TPHCM.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, mục tiêu cụ thể của việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch này nhằm lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải đô thị trên toàn bộ khu vực đô thị TPHCM (trừ huyện Cần Giờ), từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các quy hoạch được cập nhật tại TPHCM.
Cụ thể là xác định các tuyến cống thoát nước chính, kênh rạch cần bổ sung và phát triển mới đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản của hệ thống thoát nước mặt như tần suất mưa tính toán, cao độ mực nước triều, mực nước sông tính toán; xác định tổng tượng nước thải, vị trí và quy mô công trình thoát nước thải (mạng lưới tuyến ống thoát nước, các nhà máy, trạm xử lý nước thải, khoảng cách ly vệ sinh và hành lang bảo vệ công trình thoát nước thải đô thị).
Kinh phí đầu tư cho các tuyến ống thoát nước mặt và thoát nước thải sẽ được xây dựng tương ứng theo từng giai đoạn; xem xét ảnh hưởng của kịch bản biến đổi khí hậu đối với hệ thống thoát nước mặt, nước thải cũng như thu gom nước thải kết hợp chặt chẽ với hệ thống thoát nước và biện pháp phòng chống ngập nước; ảnh hưởng biến đổi khí hậu tác động đến mực nước lũ và các biện pháp kiểm soát lũ đã, đang và sẽ thực hiện.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ nghiên cứu đánh giá khả năng và thời gian đáp ứng của hệ thống thoát nước cũ theo hiện trạng hệ thống thoát nước thải hiện nay (kết hợp với hệ thống thoát nước chung của lưu vực cũ và hệ thống thoát nước riêng của lưu vực mới), từ đó có lộ trình thay đổi hệ thống thu gom, thoát nước thải phù hợp với tốc độ đô thị hóa, biến đổi khí hậu phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, sẽ xây dựng mô hình quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước mặt và nước thải của TPHCM, bao gồm hệ thống hiện hữu và tương lai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh cao độ nền và thoát nước đô thị
Trên cơ sở Quy hoạch 752 (Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2001), tập trung rà soát, nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh Quy hoạch thoát nước thuộc địa giới hành chính TPHCM (trừ huyện Cần Giờ), TPHCM sẽ cập nhật và điều chỉnh quy hoạch chuyên biệt về cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt, điều chỉnh quy hoạch thoát nước thải. Bổ sung, mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Rà soát và tính toán xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo hướng tập trung, trọng điểm và khả thi về khả năng huy động nguồn lực, ưu tiên đề xuất các dự án đầu tư xây dựng các công trình đầu mối tiêu thoát nước chính, xử lý nước thải giai đoạn thực hiện quy hoạch đến năm 2030 và tiếp tục phát triển, mở rộng đến năm 2050.
Theo đó, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo nội dung: Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt đô thị và điều chỉnh quy hoạch thoát nước thải đô thị. Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bao gồm: rà soát, đánh giá các quy hoạch thoát nước mặt đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Đánh giá hiện trạng địa hình, các điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, các khu vực có biến đổi môi trường như lún, sụt, xói, lở… Đánh giá tổng hợp đất xây dựng đô thị cho từng khu vực đô thị bao gồm xác định các khu vực thuận lợi, không thuận lợi, hạn chế, khu vực cấm xây dựng. Đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập úng đô thị. Xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản của hệ thống thoát nước, các lưu vực thoát nước, mạng lưới thoát và nguồn tiếp nhận nước mặt, các giải pháp thoát nước và phòng chống thiên tai. Xác định cốt xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể và các đường phố chính cấp đô thị. Xác định chương trình và các dự án đầu tư ưu tiên, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư và dự kiến nguồn lực thực hiện. Kiến nghị cơ chế tổ chức, quản lý hệ thống thoát nước mặt TP. Kiến nghị chính sách quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thoát nước.
Đối với điều chỉnh quy hoạch thoát nước thải đô thị, sẽ rà soát, đánh giá các quy hoạch thoát nước thải, dự án đầu tư xây dựng thoát nước thải đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Đánh giá hiện trạng hệ thống thu gom và chuyển tải nước thải, trạm xử lý, nhà máy xử lý nước thải, khả năng tiêu thoát của hệ thống nước thải, tình hình ô nhiễm và diễn biến môi trường nước. Xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản của hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, công nghiệp. Xác định hệ thống thu gom và chuyển tải nước thải bao gồm khu vực áp dụng mạng lưới thoát nước thải chung, riêng, tự chảy, cách đấu nối từ hộ dân vào mạng lưới thoát nước TP. Lựa chọn hệ thống thu gom và công nghệ xử lý nước thải. Xác định vị trí, quy mô các nhà máy xử lý nước thải, đánh giá môi trường chiến lược…
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về những vấn đề cần xin ý kiến của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện dự án, để công tác nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ đề ra, Sở GTVT kiến nghị UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch và nội dung nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo về điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP theo quy định.