Sự kiện một học sinh ở Quảng Nam dùng Facebook với lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo khiến em đứng trước án kỷ luật 1 năm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những cô, cậu học trò quen dùng thế giới ảo như một công cụ tiêu khiển, bày tỏ cảm xúc bản thân. Song, trên đó, cũng cần thấy vai trò của gia đình và nhà trường trong việc hình thành và giáo dục nhân cách các em.
Ăn, ngủ cùng “phây”
Theo một cuộc khảo sát bỏ túi mới đây của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM ở một số trường THPT trên địa bàn TP, có đến 72,6% học sinh mở tài khoản Facebook, trong đó hơn 48% các em dành từ 1 - 2 giờ mỗi ngày để sống cùng mạng xã hội này. Minh Khôi, học sinh lớp 11, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1), cho biết: “Lớp em hầu như ai cũng có tài khoản Facebook, có bạn còn lập đến 2, 3 tài khoản. Nhiều hôm cả lớp hẹn nhau lên “phây” cùng một thời điểm, bình luận rôm rả về một vấn đề nào đó và xem ai có nhiều lượt like (một hình thức thể hiện sự đồng ý của người dùng Facebook - PV) hơn thì thắng”.
Còn Thanh Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhún vai: “Trò chuyện trên Yahoo Messenger xưa rồi, bây giờ bạn nào không có Facebook bị xem là lạc hậu. Kể cả khi đã mở tài khoản, danh sách bạn bè của ai nhiều hơn mới được coi là oách”. Ngay cả giáo viên hiện nay cũng không ít người sử dụng mạng xã hội này. Thầy Đ.T., Phó hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy Toán một trường THPT trên địa bàn quận 5, chia sẻ: “Mình mới lập tài khoản Facebook hơn một năm nay. Học sinh bây giờ dùng Facebook nhiều quá, mình làm chủ nhiệm mà không biết sử dụng sẽ không hiểu được tâm lý các em. Hơn nữa, nếu biết điều tiết, Facebook cũng là một trong những công cụ giúp thầy trò xích lại gần nhau hơn”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều tiết và sử dụng mạng xã hội này một cách có hiệu quả. Chị N.T.M.T., phụ huynh em N.D.T.T., học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), than thở: “Con tôi đi học về là ôm máy tính từ chiều đến tối. Năm sau thi chuyển cấp rồi mà cháu chẳng lo học hành gì cả, nhiều hôm thức đến 1 - 2 giờ sáng chỉ để like với comment (phần viết thể hiện ý kiến, quan điểm người sử dụng - PV), mấy cái status (trạng thái hoạt động - PV) của bạn bè”.
Thâm nhập vào trang mạng của nhiều học sinh hiện nay mới thấy các em dùng Facebook chia sẻ mọi vấn đề từ trường lớp, học hành, những mối quan hệ thân thiết trong gia đình đến phim ảnh, truyện tranh, sau đó ngồi chờ phản ứng đồng tình hoặc phản bác từ bạn bè. Có em còn sử dụng Facebook thành lập các hội “Hội những người sợ ma mà thích xem phim ma”, “Hội những người học ít, cóp (copy, dùng tài liệu trong thi cử - PV) nhiều”… hoặc diễn đàn kết nạp những người có chung thần tượng. Từ đó đã dẫn đến không ít cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa fan club của ca sĩ này với ca sĩ khác, thậm chí có hẳn những trang Facebook mang tên “Hội những người đả kích ca sĩ H.N.H.”, “Hội những người ủng hộ T.D.”… Trong đó, mỗi lượt status có hàng ngàn người like và comment với nhiều lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa. Qua đó cho thấy thế giới ảo hiện nay đang có sức ảnh hưởng và chi phối các bạn trẻ đến mức nào.
Học cách sử dụng đúng
Nhận xét về mạng xã hội đang thu hút hàng triệu người sử dụng, PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Sử dụng Facebook hiện nay như một nhu cầu cơ bản của nhiều bạn trẻ. Khi cuộc sống có quá nhiều áp lực, thách thức, căng thẳng thì việc chia sẻ, tâm sự trên Facebook phần nào giải tỏa những áp lực tâm lý này. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay nhiều bạn trẻ chưa hiểu đúng chức năng, cách thức và quy tắc sử dụng của nó. Cần ý thức được rằng Facebook không phải là môi trường của những ngôn từ tục tĩu, hạ nhục người khác, van xin like một cách mè nheo, ngây ngô phản ứng bằng những câu “đọc không hiểu”, “có vầy mà cũng nổ”, không thể dùng nó như một công cụ đánh bóng tên tuổi hoặc vì những mục đích cá nhân khác”.
Tương tự, Th.S Trần Thị Hồng Nhi, giảng viên bộ môn Tâm lý học, ĐH KHXH-NV TPHCM trong một bài giảng liên quan đến các vấn đề xã hội từng đánh giá, bất kỳ thế giới ảo nào cũng có mặt tốt và xấu của nó. Ở mặt tích cực, Facebook là công cụ giúp kết nối cộng đồng, chia sẻ tin tức cũng như tạo hiệu ứng khẳng định bản thân. Có thể xem đây là một trong những trang mạng tiếp nối blog (nhật ký mạng - PV) trước đây. Song, nếu sử dụng không khéo, môi trường này sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực. Đã từng xảy ra trường hợp học sinh bị kỷ luật vì dùng Facebook thiếu kiểm soát ở Hà Nội. Các em học sinh đang ở lứa tuổi tâm sinh lý có nhiều biến động, dễ bị lôi kéo, hành xử theo số đông nên nếu thiếu đi sự định hướng, giáo dục kỹ năng sống từ gia đình và nhà trường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Mặc dù theo quy định của nhà cung cấp, người trên 13 tuổi mới được mở tài khoản Facebook nhưng trên thực tế khó ai kiểm soát do thông tin trên mạng đa phần “thật ít, ảo nhiều”. Hơn nữa, nhiều giáo viên khẳng định, 13 tuổi vẫn là lứa tuổi còn quá sớm để các em biết điều tiết hành vi và cảm xúc của mình khi tham gia thế giới ảo.
Facebook là mạng xã hội có thể phút chốc biến người sử dụng trở nên nổi tiếng nhưng nếu sử dụng quá đà, tai tiếng cũng là điều khó tránh khỏi. Do đó, học cách sử dụng, hiểu văn hóa sử dụng và tập cho mình bản lĩnh sử dụng là điều rất cần thiết khi tham gia mạng xã hội này.
Thu Tâm