Nhập và phát hành phim truyện nhựa nước ngoài

Nghiêng về tư nhân và đối tác liên doanh

Nghiêng về tư nhân và đối tác liên doanh

Trước năm 2000, Fafilm VN là đơn vị duy nhất có chức năng nhập và phát hành phim truyện nhựa nước ngoài. Nghị định 48/CP của Chính phủ đã cho phép những đơn vị có rạp được quyền nhập khẩu phim. Từ đây, mở ra một thời kỳ mới trong công tác nhập và phát hành phim chứng minh hoạt động này mang lại doanh thu cao nhất cho hoạt động điện ảnh hiện nay…

  • Đơn vị nhà nước mất dần thế mạnh...

Năm 2004, số lượng phim nhập là 21 phim nhưng cán cân đã nghiêng hoàn toàn về phía đối tác, Fafilm chỉ nhập 3 phim “Thảm họa vịnh Casco”, “Lựa chọn sinh tử”, “Hạ cánh khẩn cấp”. Một loạt các đối tác lần lượt tách khỏi Fafilm VN, hoặc tự phát hành hoặc liên kết với các chủ rạp để phát hành.

Nghiêng về tư nhân và đối tác liên doanh ảnh 1

Một buổi ra mắt bộ phim “Anh hùng thành Troa” của Công ty BHD.

Cuối năm 2004, đối tác mạnh nhất của Fafilm là Visionnet tách ra thành Công ty Liên doanh Cinema 1, nhập và phát hành độc lập, chỉ còn liên quan với Fafilm VN về mặt thủ tục. Fafilm VN lâm vào thế bế tắc trong hoạt động nhập khẩu phim.

Cũng là một đơn vị nhà nước, song Công ty Điện ảnh TP Hồ Chí Minh lại có lợi thế nắm một hệ thống rạp khá lớn. Ngay sau khi có chức năng nhập khẩu phim, một loạt các đối tác đã tìm đến với đơn vị này.

Năm 2003–2004, công ty hoạt động hiệu quả và đạt doanh thu cao nhất. Song cũng là năm đơn vị mất khá nhiều đối tác do giá phim cao, phim phát hành ra không thu đủ vốn và không đủ nguồn rạp hiện đại để đáp ứng yêu cầu của chủ phim. Hiện tại, công ty còn khoảng 6 đối tác thường xuyên.

  • Thị trường chưa khai thác hết…

Trong khi Fafilm Việt Nam rơi vào bế tắc trong vấn đề nhập khẩu và phát hành phim truyện nhựa nước ngoài thì những đơn vị tư nhân và liên doanh xem ra hoạt động khá hiệu quả. Tuy mới 6 tháng đầu năm 2005, nhưng con số phim phát hành của các hãng đã gần bằng với con số của cả năm 2004. Đặc biệt 3 tháng hè qua, các rạp chiếu phim tại TPHCM “được mùa” phim. Hầu như mỗi tuần đều có phim mới, thậm chí có tuần tới 2-3 phim cùng vào một lượt.

Có thể điểm mặt một số đại gia trong làng nhập phim tại Việt Nam như sau: Đại gia xuất hiện sớm nhất (1998) và có nguồn phim ổn định nhất là Visionnet. Hãng này chủ yếu nhập phim của Mỹ, cả phim ăn khách lẫn phim hay nhưng khá kén khách. Trung bình 1 năm Visionnet cung cấp cho thị trường Việt Nam trên 10 phim, năm 2004 là 18 phim và từ đầu năm 2005 đến nay là 12 phim.

Kế đến phải kể đến Thiên Ngân, tuy xuất hiện sau nhưng hiện đang là đơn vị có số lượng phim nhập nhiều nhất. Vấn đề tung phim ra vào thời điểm nào cũng được Thiên Ngân điều nghiên kỹ lưỡng. Trong kho của Hãng luôn có tối thiểu 3 bộ phim mới chờ thời cơ thuận lợi để công chiếu. Năm 2004, Hãng nhập 18 phim và tới thời điểm này của năm 2005 là 22 phim và hầu hết các phim đều có lãi.

Đại gia thứ ba trong làng nhập khẩu phim là BHD. Nếu Visionnet và Thiên Ngân có thế mạnh đối với dòng phim Mỹ thì BHD lại thành công với các bộ phim nhựa của Hàn Quốc và đặc biệt là phim truyền hình. Không có rạp riêng, công tác phát hành phim của BHD chủ yếu dựa vào Công ty Điện ảnh thành phố.

Ngoài các Hãng kể trên thì thị trường phim nhập khẩu tại Việt Nam còn một số đối tác khác như Good Fellas (Công ty Liên doanh Diamond nhập chủ yếu phim của Hàn Quốc), Man Wang (nhập phim Hồng Công), C.I.A.T (nhập phim của Pháp), Kiều hối Liên Đoàn (nhập phim Nhật Bản), Rabul (nhập phim Ấn Độ)…

  • Lối ra nào cho các đơn vị nhà nước

Việc Fafilm VN mất đi nguồn phim nhập cũng làm ảnh hưởng không ít đến nhiệm vụ được giao của một đơn vị nhà nước là phục vụ công chúng cả nước. Trước đây, khi còn có nguồn phim, Fafilm VN đã cố gắng đàm phán với các đối tác đưa phim về các tỉnh để chiếu. Nay chỉ những địa phương đầu tư rạp, tăng cường quảng cáo, doanh thu tốt, thanh toán nhanh thì các chủ phim mới đưa phim phát hành và nhiều địa phương trong cả nước đã không còn cơ hội được thưởng thức những bộ phim hay, mới của nước ngoài.

Mục tiêu của Fafilm VN trong những năm tới là liên hệ với các đối tác khác để có thể khơi thông nguồn phim nhựa. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được nguồn rạp thì e rằng sẽ khó có đối tác nào chấp nhận liên doanh cùng Fafilm VN và ngay cả Fafilm nếu có tự nhập cũng sẽ khó khăn trong việc phát hành… 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục