Chiều 26-1, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định đình chỉ kinh doanh cơ sở Trường Thọ (28/13 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), thu hồi, tiêu hủy 1,4 tấn mứt bí của cơ sở này đồng thời lên phương án tiêu hủy đối với hơn 520kg mứt bí, mứt củ năng của cơ sở Tân Hồng Phát (174/30 Thái Phiên, phường 8, quận 11) do 2 cơ sở này sử dụng hóa chất tẩy trắng công nghiệp. Có thể thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang “nóng” hơn bao giờ hết.
- Từ đồ ăn tới thức uống
Sau bữa tất niên cùng đồng nghiệp cơ quan ở nhà hàng T.N (quận Thủ Đức) về, suốt đêm anh Lê Ngọc Anh nhấp nhổm không tài nào ngủ được vì bụng bỗng nhiên trở chứng. “Nó vừa đau râm ran vừa có cảm giác đầy hơi, tức bụng, thỉnh thoảng lại sôi ục ục…”, anh nói. Sáng hôm sau, khi gọi điện hỏi thăm nhau anh mới biết, không chỉ mình anh bị đau bụng mà nhiều bạn bè tham dự bữa tiệc cũng chung số phận.
Thậm chí có người còn bị “tào tháo” rượt suốt đêm. “Tôi nghĩ là đồ ăn hôm đó có vấn đề. Cũng may không có ai phải vào bệnh viện cấp cứu”, anh Anh cho biết.
Cuối năm là thời điểm nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức tiệc tùng cũng như hội nghị, do đó các nhà hàng, đơn vị sản xuất, kinh doanh phải hoạt động với cường độ cao nhằm phục vụ các “thượng đế”. Chính vì phải “chạy đua”, nên nhiều nơi tiết kiệm công đoạn vệ sinh thực phẩm khiến cho nguy cơ ngộ độc gia tăng.
Bên cạnh đó, do hám lợi nên nhiều cơ sở không đảm bảo đúng quy trình sản xuất. Như nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đưa về chế biến không rõ ràng, tận dụng những khu vực như ngoài đường, ngoài hẻm, nhà tắm và thậm chí cả nhà vệ sinh làm nơi chế biến.
Chỉ qua 2 ngày kiểm tra một số cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp và tiệc cưới, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục VSATTP TPHCM đã phát hiện 10/14 cơ sở chế biến thức ăn, tiệc cưới vi phạm VSATTP. Trong đó đã đình chỉ 1 cơ sở tiệc cưới và 2 cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp vì không đảm bảo VSATTP trong quá trình sản xuất, chế biến.
Theo kết quả thanh tra vệ sinh thực phẩm trong thời điểm tết, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mứt, lạp xưởng, giò chả… không đảm bảo VSATTP. Trong đó, cơ quan chức năng phát hiện 8/17 (chiếm tỷ lệ 47,1%) mẫu thực phẩm, giò chả ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa hàn the, 2.893 trứng gia cầm không đảm bảo chất lượng, 50,5kg thực phẩm và gia vị hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.
Người tiêu dùng không những phải đề phòng với thực phẩm chế biến thủ công trong nước, mà còn phải cảnh giác với những hàng hóa nhập từ nước ngoài. Theo Chi cục Quản lý thị trường, trong tháng 1-2011 đã phát hiện, thu giữ hàng ngàn thùng bánh kẹo, hàng tấn mứt tết, bột ngọt, đường… không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn sử dụng nhưng được “tái chế”, đóng bao bì, nhãn mác mới để tung ra thị trường.
- Sẵn sàng ứng biến
TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở y tế, bộ phận y tế dự phòng sẵn sàng ứng biến với những tình huống xảy ra, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP vừa có văn bản đề nghị Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y, UBND các quận huyện trên địa bàn TPHCM tăng cường triển khai công tác kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh lưu thông đối với các sản phẩm gia vị có chất phụ gia màu đỏ.
Xử lý nghiêm, tịch thu và tiêu hủy các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác. Kiểm soát thực phẩm tươi sống, gia súc gia cầm. Kiểm tra, kiểm soát các mặt được nhập từ nước ngoài về Việt Nam nhưng không có phụ đề bằng tiếng Việt…
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn không thể nào kiểm soát hết thị trường. Vì vậy, hiện nay bên cạnh những mặt hàng của các cơ sở sản xuất có thương hiệu, có uy tín thì cũng xuất hiện không ít những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đảm bảo VSATTP.
Trong cảnh vàng thau lẫn lộn, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua, sử dụng các loại thực phẩm để đón tết trọn vẹn, vui tươi, an toàn
TIẾN ĐẠT