Bộ phim Thuyền giấy đang được phát sóng trên kênh HTV7, nội dung khai thác trào lưu một bộ phận thanh niên ở miền Tây Nam bộ lên thành phố để kiếm cơ hội đổi đời, trước bao thách thức nơi phố thị. Một câu chuyện cảm động đang dần chạm vào trái tim người xem. Diễn viên Ngọc Lan, đảm nhận vai nữ chính Hương Thảo là sự trải nghiệm chuyên nghiệp đầy cảm xúc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị trước ngày chị đi lưu diễn ở Mỹ ba tuần.
- Phóng viên: 10 năm trong nghề, Hương Thảo là vai diễn đầy tâm đắc, Ngọc Lan đã trải nghiệm thế nào trong việc nuôi cảm xúc, bắt thần thái, phản ứng nhanh với mọi tình huống và bạn diễn?
>> Diễn viên NGỌC LAN: Từng đảm nhận nhiều vai “đào thương”, nhưng vai Hương Thảo là sự phá vỡ hoàn toàn mọi vai diễn trước đây của tôi. Trong kịch bản, Thảo là cô gái hiền lành, mộc mạc, mong manh, sống hết mình, luôn hy sinh để mang lại hạnh phúc cho người thân, kể cả chấp nhận lấy chồng không cần hôn thú. Song cô chính là hình mẫu thật đẹp về nghị lực, ý chí vượt qua số phận… khi phận người như chuyến hành trình đặt trên con thuyền giấy chòng chành, bị xô đẩy vì chồng phản bội, đứa con trai nhỏ chết đuối, để từng bước hòa nhập vào thế giới thị thành, khẳng định chính mình trong sự nghiệp và đón nhận một hạnh phúc mới mà không hề nuôi tư tưởng trả thù. Đây chính là ẩn ý tinh tế của bộ phim về nhân cách sống của con người - Cũng là sự khác biệt từ sự khốc liệt của vai diễn.
- Và hình như “đâu đó”, Ngọc Lan có cùng mẫu số chung với nhân vật Thảo?
Đúng vậy, đó là cuộc sống nội tâm và một động lực muốn khẳng định bản thân. Đây là vai diễn luôn mang lại những cảm xúc đỉnh điểm, đến nỗi mỗi lần thay phục trang, bước vào bối cảnh trên trường quay là tôi trào nước mắt… nhưng lại phải kìm nén, chôn chặt, bắt đúng thần thái, ứng biến kịp thời với bạn diễn. Chính vì thế mà tôi đã chọn ngay cách xử lý “quẹt” nước mắt thật mạnh mẽ để thể hiện nỗi đau qua cách khóc cũng phải có bản lĩnh ở nhiều trường đoạn: con chết, bên nấm mộ, ngồi hát ru, thả thuyền giấy trên chiếc xuồng trôi vô định… Trước đây tôi có điểm yếu lớn, mỗi khi khóc là biểu cảm mếu rất xấu. Đến vai này… tôi tự tin chia sẻ cách nén khóc quá đã và đẹp thiệt.
- Trong quá trình quay phim, bạn diễn hay yếu tố khách quan nào có ảnh hưởng lớn giúp Ngọc Lan luôn đầy cảm xúc?
Đó là cu Bi - đứa con trai vắn số của Thảo, linh hồn chính của phim. Tôi từng vào vai người mẹ, đóng với nhiều bé, nhưng khi được trải nghiệm chung với bé Nhật Thanh (cu Bi), không riêng gì tôi mà cả đoàn phim cứ đi từ ngạc nhiên đến cảm phục bé trước diễn xuất tự nhiên, tinh tế, chuyên nghiệp cùng ý thức nghề rất cao. Do ban ngày phải đi học, nên phần lớn cảnh quay của bé vào ban đêm, có cảnh kéo dài tới 3 - 4 giờ sáng. Có đêm bé bị sốt cao, nhưng vẫn không rời hiện trường. Ở cụm bối cảnh nhà trọ tại Sài Gòn, hay vào vai đứa trẻ khác, bé diễn không hề trùng lặp mà biết lẩy từ câu thoại, tính cách, dáng điệu rất riêng. Đôi khi mệt mỏi, hễ nhìn bé sống với vai diễn là tôi như có thêm nghị lực để hoàn thiện mình hơn.
Hơn nữa sự nghiêm khắc, chỉn chu, luôn sáng tạo của đạo diễn Nhâm Minh Hiền qua từng cảnh quay, tâm lý diễn, bối cảnh, trang phục, cùng sự trải nghiệm - thế mạnh của mỗi diễn viên, luôn buộc chúng tôi không thể dễ dãi, hời hợt và chủ quan.
- Thế bối cảnh tiêu biểu nào tạo nên sự khốc liệt cho vai diễn?
Đó là cảnh Thảo như điên dại bên mộ con. Đạo diễn đã cho cắm đầy nhang xung quanh mộ. Tôi muốn thể hiện sự đau đớn tột cùng này của người mẹ không tin vào con mình đã chết nằm dưới mộ, nên thoăn thoắt nhổ từng cây nhang đang cháy rồi dùng 10 ngón tay đào bới tung tóe từng lớp đất bùn sình lên để tìm con. Ai dè do bùn mới đắp hơi ướt nên có rất nhiều côn trùng, sinh vật mà tôi rất sợ… Vậy mà do quá nhập tâm trạng, tôi đã quên hết.
- Việc tạo hình nhân vật (trừ phim lịch sử), hầu như ở nước ta đều do chính diễn viên lo liệu. Có sự góp ý nào của đạo diễn… với Ngọc Lan?
Theo tôi việc định hình tốt cho vai diễn đã góp 50% vào sự thành công. Và tôi rất chú trọng khâu này mỗi khi nhận phim. Song ở vai Hương Thảo, đạo diễn Minh Hiền đòi hỏi thể hiện nhân vật này ở ba thời kỳ, nên tôi đã chuẩn bị hình ảnh Thảo ở quê (lựa áo sơ mi kiểu), khi lên Sài Gòn làm công nhân thì cũng phải là sơ mi công sở nhưng chỉ một màu, không bông, hoa văn, còn khi đi Nhật về cũng là sơ mi kiểu chủ đạo nhưng phải là chất liệu mềm, hơi đơn giản nhưng lại toát lên tính hiện đại. Thực ra, tôi đã nhờ mẹ tư vấn, chọn vải và đi may tới gần 40 bộ. Riêng những bộ ở quê, đạo diễn bắt phục trang đem ngâm với nước trà hay cà phê để làm có vẻ cũ một cách tự nhiên.
- Ngọc Lan nghĩ sao trước quan niệm: nhan sắc của diễn viên rất quan trọng, sau đó là trí tuệ và cuối cùng là sự may mắn?
Với tôi, cả ba yếu tố đều rất cần. Nhan sắc cho ta cơ hội, năng khiếu là bắt buộc, song cái duyên và sự may mắn là không thể thiếu. Nhưng trên tất cả vẫn là sự đam mê và luôn biết tự hoàn thiện.
- Thế còn điểm yếu mà Ngọc Lan chưa từng tiết lộ?
Quá yếu về nhạc cảm… đến nỗi không thể nhảy trên sàn, nên đạo diễn chỉ cho ngồi lắc lư… vậy mà vẫn còn trật nhịp.
- Kế hoạch sắp tới của Ngọc Lan?
Đi lưu diễn ở Mỹ ba tuần với hai vở kịch: Lời thề định mệnh và Trà hoa nữ.
THIỆN THÀNH