Hè năm nay, về thăm quê, tôi được biết một tin vui, một nét đẹp của quê hương, ấy là bên xã lân cận Bùi Xá (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có một ngôi trường tiểu học mang tên nhà văn quân đội từng có truyện đi vào sách giáo khoa cho trẻ em học, từng được đông đảo công chúng yêu thích, đồng thời là một người con của quê hương Bùi Xá. Đó là nhà văn Nguyễn Xuân Thiều.
Nhà thơ quân đội Vương Trọng bày tỏ cảm xúc: “Tôi nghĩ nhiều về nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, người đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương… mà tôi được sống gần gũi hơn 30 năm. Khi chưa về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã thuộc lòng những câu thơ viết về trận địa phòng không trên đỉnh núi ở Hàm Rồng của ông: “Giá mà kéo núi lên cao nữa/Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”.
Khi chưa về Tạp chí Văn nghệ quân đội, trước năm 1960, theo lời kể của nhà văn Nam Hà, Xuân Thiều thường ngâm nga hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Nam Hà xúc động: “Anh Thiều ơi, khi những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên của anh được đăng báo là cái danh bắt đầu được nhen nhóm; khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cái danh được định hình; khi anh được Giải thưởng Nhà nước, cái danh được khẳng định.
Và hôm nay, khi tên anh trở thành tên trường tiểu học xã nhà là cái danh của anh được khẳng định ở quê hương. Tên anh không chỉ hàng ngày xuất hiện với giáo viên, học sinh ở trong trường, mà trong làng xóm, đồng ruộng, chợ búa… tên anh chen vào câu chuyện của làng quê mến yêu. Các thế hệ học sinh trưởng thành sẽ mang tên anh đến các miền đất nước. Đó là niềm hạnh phúc lớn đã mấy nhà văn có được phải không anh?”.
Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất đối với nhiều bạn đọc là truyện ngắn Gieo mầm của nhà văn Xuân Thiều với bút danh Nguyễn Thiều Nam. Ấn tượng về hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong truyện ngắn ấy trong các thế hệ tuổi trẻ thật sâu đậm và thực sự nó đã gieo mầm vào tâm hồn học sinh, để ít năm sau lớp học học sinh hầu hết tình nguyện lên đường nhập ngũ. Từ các trang sách của nhà văn Xuân Thiều để lại, từ chính tên ông gắn trên bảng nhà trường, sẽ tiếp tục gieo mầm về lý tưởng, về tình yêu, về văn học… trong những thế hệ trẻ của quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh và cả nước hôm nay.
Cũng từ mái trường mang tên Xuân Thiều, có thể tới một ngày không xa, ở miền Tây Nam bộ, ở TPHCM và nhiều tỉnh thành sẽ có thêm các mái trường mang tên những nhà văn lớn đã cống hiến cả cuộc đời mình cho văn chương cách mạng và đất nước…
| |
Châu La Việt